Tây Ninh tích cực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Tính đến ngày 4/7, Tây Ninh là một trong 2 tỉnh (cùng với Ninh Thuận) chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Để tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và ngành thú y tỉnh Tây Ninh đã vào cuộc, kiên trì ngăn chặn loại dịch bệnh nguy hiểm này nhằm bảo vệ đàn lợn trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện (tháng 2/2019), tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện phòng chống dịch trong toàn tỉnh. Tỉnh coi nhiệm phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”.

Chú thích ảnh
Số lượng lợn tại kho của Công ty Cổ phần CP Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh trước khi xuất kho phải được vệ sinh sạch sẽ.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Cũng theo ông Phúc hiện nay bên cạnh việc thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại hầu hết các khu vực chăn nuôi và địa bàn dân cư, tỉnh đã hoàn tất công tác tiêm phòng đợt 1 cho 100% đàn lợn trong tỉnh; trong đó, có phòng ngừa các bệnh liên quan tới dịch tả lợn châu Phi như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh, lở mồm long móng….

Đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi, các trang trại thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (thường xuyên rải vôi, tiêu độc sát trùng chuồng trại, sát trùng dụng cụ chăn nuôi, quần áo… bằng tia cực tím; không cho người lạ vào chuồng trại, không cho lợn ăn thức ăn thừa…).

Tỉnh cũng buộc các lò giết mổ phải đăng ký phương tiện vận chuyển và tuyến đường vận chuyển; làm cam kết không giết mổ lợn bị bệnh, giết mổ lợn phải có giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ có sự giám sát chặc chẽ của cán bộ thú y địa bàn.

Đối với nguồn lợn nhập từ các tỉnh vào, tỉnh luôn kiểm soát chặt chẽ bằng việc duy trì 8 chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và các tỉnh giáp biên giới của Campuchia.

Các chốt luôn trực 24/24 để kiểm tra chặc chẽ nguồn gốc của lợn nhập tỉnh; phun thuốc, tiêu độc khử trùng các phương tiện chuyên chở; kiên quyết không cho nhập tỉnh số đầu lợn không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, lợn có mầm bệnh.

Ông Đỗ Văn Thường, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Tây Ninh cho biết, hiện tại kho của công ty (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh) mỗi ngày nhập vào khoảng 1.000 con lợn thịt từ các trang trại chăn nuôi gia công trong tỉnh; đồng thời xuất bán cho thương lái trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày cũng khoảng 1.000 con.

Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn không bị lây từ các nơi khác vào từ các phương tiện vận chuyển, công ty luôn tuân thủ các quy trình an toàn sinh học theo quy định của ngành thú y như buộc các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi và vào nhà kho phải phun thuốc sát trùng cách đó 2 km; phương tiện chở lợn trước khi rời kho cũng phải phun nước, vệ sinh sạch sẽ; sàn xe phải kín, không để chất thải rơi vãi trên đường.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao, khi hiện tại đang vào mùa mưa, khí hậu ẩm thấp.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển lợn vào trong tỉnh, tăng cường theo dõi, giám sát chặc chẽ đàn lợn tại các địa bàn trong tỉnh, nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. duy trì 8 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 6 đội kiểm tra liên ngành lưu động nhằm tăng cường quản lý công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 95 trang trại, 251 gia trại chăn nuôi lợn với tổng đàn đạt khoảng 150.000 con (chiếm 80% tổng đàn), các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chăn nuôi khoảng 46.000 con lợn.

 

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
Công bố dịch tả lợn châu Phi tại huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu
Công bố dịch tả lợn châu Phi tại huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 4/7, UBND huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, huyện đã có quyết định chiều 3/7 công bố dịch đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Bình Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN