Hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long họp đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và bàn giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu cho biết, đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy trước ngày 27/6/2019 sẽ được hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh về quy định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các lọai, hỗ trợ với mức 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác sẽ hỗ trợ với mức gấp 1,5 lần mức hỗ trợ lợn con, lợn thịt; giá áp dụng là giá lợn hơi ở tháng trước liền kề do Sở Tài Chính công bố.

Kể từ ngày 27/6, tỉnh sẽ hỗ trợ cho người chăn nuôi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, mức hỗ trợ là 25.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt; hỗ trợ 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phối hợp để sớm triển khai hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Trong quá trình chi hỗ trợ, các đơn vị cần thực hiện thống nhất, đúng theo các chính sách đã ban hành, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, số lượng và trọng lượng. 

Bên cạnh việc chi kinh phí hỗ trợ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phải khẩn trương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp dập dịch và phòng chống dịch lây lan; tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các đoàn thể, địa phương khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn trong thời gian này. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật giúp người chăn nuôi chuyển sang các mô hình sản xuất khác để có thêm thu nhập, đảm bảo kinh tế gia đình. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Long Lê Thanh Tùng, hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tần suất xuất hiện ổ dịch ngày càng nhiều hơn. Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 143 hộ chăn nuôi ở 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh đã tiêu hủy hơn 5.400 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 376 tấn. 

Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, các cấp, các ngành và người dân đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, xử lý tiêu hủy toàn bộ số heo trong ổ dịch; tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng dịch bị uy hiếp; lập các chốt kiểm soát ổ dịch...

Dự báo trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục lan rộng đến các cơ sở chăn nuôi chưa mắc bệnh, các cơ sở chăn nuôi lớn và những nơi đã hết dịch. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tả lợn châu Phi các địa phương đề xuất tỉnh sớm có hướng dẫn và tạm ứng kinh phí để thực hiện chi hỗ trợ cho người dân; kiến nghị thành lập tổ xử lý ổ dịch để kịp thời xử lý khi có phát hiện ổ dịch mới hoặc các ổ dịch lớn, số lượng lợn phải tiêu hủy nhiều, tránh tình trạng phải chờ đợi, gây khó khăn cho công tác xử lý dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng  (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho biết vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát tại ấp Tân Phát, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN