Số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là trên 95.000 con với trọng lượng trên 5.600 kg, chiếm tỷ lệ 13,5% tổng đàn. Tính trung bình mỗi ngày số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy từ 1.000 - 2.000 con. Chỉ trong vòng 3 tháng, thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra khoảng trên 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, một số xã phường đã khống chế được dịch bệnh qua 30 ngày nay lại tái phát sinh dịch bệnh, như tại các xã Na Mao, Yên Lãng huyện Đại Từ; Tân Khánh, Tân Thành huyện Phú Bình; phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên;…dịch bệnh tiếp tục lây lan rất nhanh và đã bắt đầu xâm nhiễm vào các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn.
Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan nhanh được xác định do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện các hộ chăn nuôi nông hộ chiếm 70% do vậy rất khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, việc lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch tại một số địa phương còn yếu kém, việc quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn chưa quyết liệt, chặt chẽ. Đặc biệt, công tác tổng hợp thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ và giải ngân hỗ trợ cho các hộ có lợn tiêu hủy còn chậm, nhiều bất cập…
Theo ông Dương Văn Lượng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan sang đàn lợn còn lại. Với phương châm “phòng là chính, cơ sở, doanh nghiệp và người dân là chính”, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, công tác khử trùng tiêu độc, tiêu hủy đúng phương pháp. Đồng thời, rà soát bố trí xây dựng các cơ sở giết mổ để quản lý, tiến tới xoá bỏ các hoạt động giết mổ nhỏ lẻ không đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và cho người tham gia chống dịch. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, các sản phẩm từ thịt lợn để hạn chế việc lây lan.
Ngoài ra, thời gian tới các ngành chức năng, cơ quan chuyên tỉnh Thái Nguyên tích cực bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch, kịp thời hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch và xây dựng hướng dẫn cụ thể với các cơ sở giết mổ tạm thời.
Tại tỉnh Hậu Giang, theo ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, đến đầu tháng 7/2019, ngành chăn nuôi của tỉnh thiệt hại hơn 16 tỷ đồng do dịch tả lợn châu Phi.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 247 ổ dịch thuộc 123 ấp, khu vực và 43 xã, phường, thị trấn. Tất cả các huyện, thị, thành phố đều đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn chết và tiêu hủy do dịch bệnh là gần 7.000 con, tương đương gần 500.000 kg.
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hậu Giang vẫn còn diễn biến phức tạp. Số lượng lợn chết và tiêu hủy ngày càng tăng. Sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, trung bình ngành chức năng tiêu hủy 45 con lợn/ngày rồi sau đó tăng lên 53 con/ngày và hiện nay là 100 con/ngày.
Tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch; tiêu độc, khử trùng; tăng cường giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn chăn nuôi tại xã có dịch và các xã tiếp giáp…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các chốt; đồng thời, phối hợp với các địa phương thành lập thêm các chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn và tiêu độc khử trùng các phương tiện đi qua ổ dịch.
Hiện, tỉnh Hậu Giang đang xây dựng mô hình hỗ trợ để giải quyết một phần khó khăn, cải thiện sinh kế cho các hộ chăn nuôi bị tiêu hủy do dịch bệnh. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân không tái đàn lợn trong tình hình hiện nay; đồng thời, khuyến khích thay thế chăn nuôi lợn bằng mô hình chăn nuôi gà, vịt thịt...
Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 2/7, toàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 123 hộ chăn nuôi thuộc 37 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy trên 5.000 con lợn với tổng trọng lượng gần 300 tấn. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 121.000 con lợn nằm trong vùng uy hiếp, nguy cơ nhiễm bệnh.
Các địa phương có nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh là huyện Bình Tân, huyện Long Hồ, huyện Vũng Liêm, thành phố Vĩnh Long… Đặc biệt, tại huyện Vũng Liêm có trang trại quy mô lớn với gần 3.000 con bị nhiễm bệnh.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tùng, hiện ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp các địa phương tiếp tục thực hiện tiêu độc khử trùng tại vùng bị dịch và vùng bị dịch uy hiếp; lập chốt kiểm soát xung quanh các ổ dịch để tránh mầm bệnh lây lan ra bên ngoài; thực hiện đánh giá và xác định nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh tại hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành chức năng dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tiếp theo và tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế các nguy cơ nhiễm bệnh cho đàn lợn.
Tính đến ngày 2/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị tiêu hủy là trên 2,9 triệu con.