Bến Tre khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Chiều 2/7, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Bến Tre là tỉnh mới nhất xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nâng số tỉnh, thành có dịch lên con số 61.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đề nghị lãnh đạo các địa phương trong tỉnh phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; đồng thời dồn sức của cả hệ thống chính trị để thực hiện chống dịch, đặc biệt là ở huyện Giồng Trôm. Cùng đó, các địa địa phương chủ động hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng lưu ý các địa phương trong tỉnh, ngoài việc tiêu độc, khử trùng cần thường xuyên kiểm tra các lò giết mổ; tuyên truyền giảm lượng đàn lợn trong dân và phát triển nuôi các đối tượng gia súc ăn cỏ, gia cầm.

Riêng đối với ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Thạnh Phú Đông, căn cứ vào nguyên tắc xử lý dịch mà ngành chức năng đã ban hành để chống dịch; lập các chốt kiểm soát dịch bệnh mới trên địa bàn huyện Giồng Trôm cũng như tăng cường kiểm tra các chốt kiểm dịch đã lập trước đó; kiểm tra các bến đò ở các địa phương…  

UBND tỉnh cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tiêu độc khử trùng kiểm soát dịch bệnh đối xã Thạnh Phú Đông. Ngoài ra, chi cục tăng cường kiểm soát giết mổ và vận chuyển trong vùng dịch, giám sát chặt chẽ dịch và công khai tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu đúng về dịch bệnh.

Tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre Phan Trung Nghĩa xác nhận, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn 54 con của hộ ông Nguyễn Văn Tiển, ấp 1A, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Trước đó, tối 30/6, khi thấy đàn lợn có biểu hiện bất thường, gia đình ông Tiển đã báo cho cơ quan chức năng ở địa phương. Sáng 1/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi. Tối cùng ngày, Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả xét nghiệm cả 2 mẫu máu kháng đông đều dương tính virus dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phan Trung Nghĩa nhận định, ổ dịch này có nguy cơ lây lan cao, vì hộ có lợn mắc bệnh nằm trên trục lộ giao thông chính của xã và giáp ranh xã Tân Lợi Thạnh có mật độ nuôi lợn cao nhất huyện (22.000 con).

Sau khi xảy ra dịch bệnh, sáng 2/7, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đến làm việc việc với lãnh đạo huyện Giồng Trôm, xã Thạnh Phú Đông và khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành chức năng tỉnh đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 54 con, với trọng lượng 3.582 kg của hộ ông Nguyễn Văn Tiển; đồng thời, tổ chức tiêu độc, khử trùng, phun xịt và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi thừa, vận chuyển các phương tiện, vật tư phục vụ chống dịch…

Công Trí (TTXVN)
Sắp sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi
Sắp sản xuất được vắc xin dịch tả lợn châu Phi

Sáng 2/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN