Hầu hết, dịch xảy ra tại các huyện: Bến Lức (11 ổ tập trung ở 4 xã Thanh Phú, Lương Bình, Phước Lợi, Long Hiệp); Đức Hòa ( 2 ổ tại xã Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Nam); thị xã Kiến Tường (6 ổ dịch tại phường 1 và phường 2). Ước tính đến nay, lượng lợn nhiễm bệnh và được tiêu hủy đúng quy định khoảng trên 450 con. Riêng tại huyện Cần Giuộc, đến chiều ngày 27/6, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu, gửi xét nghiệm virus dịch tả lơn châu Phi tại Chi cục Thú y vùng VI, hiện chưa có kết quả.
Ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho biết: “Hiện nay tốc độ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nhanh. Riêng tại Long An, theo dự báo, có thể dịch bệnh sẽ lây lan trên diện rộng ở những địa phương giáp ranh vùng dịch. Nguyên nhân do người chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; sử dụng nguồn nước ô nhiễm; ý thức tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh chưa thường xuyên; Nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân còn lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, nhất là thực hiện phương châm 4 tại chỗ và sự vào cuộc của một số nơi chưa thật sự quyết liệt”.
Đối với vùng bị dịch uy hiếp tại huyện Bến Lức (xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức); Huyện Cần Đước (xã Long Khê, Phước Vân); Huyện Cần Giuộc (xã Phước Lý); huyện Đức Hòa (xã Hựu Thạnh), Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo triển khai khống chế dịch bệnh trên lợn; trong đó, tập trung thông tin tuyên truyền cho người dân các biện pháp an toàn sinh học để phòng bệnh; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến trên lợn, như: Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, Lở mồm long móng...
Khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều,… chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay các biện pháp chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y.