Giám sát ổ dịch tả lợn châu Phi có quy mô lớn nhất cả nước

Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang tích cực xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại trại nuôi gần 20.000 con lợn của Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, những ngày qua, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với cơ quan chức năng Đồng Nai làm việc với Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để bàn giải pháp xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại trại nuôi gần 20.000 con lợn của Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn. Các bên đi đến thống nhất sẽ tiêu hủy những con lợn mắc bệnh và tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, số lợn còn lại sẽ được giám sát nghiêm ngặt.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, lợn tại trang trại của Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn được nuôi ở các dãy ô chuồng riêng biệt, ngăn cách bằng những lối đi. Trong tổng đàn gần 20.000 con nên có cả lợn giống, lợn thịt và lợn nái. Kết quả kiểm tra, có 150 con lợn tại 4 ô chuồng nhiễm dịch tả lợn châu Phi và 500 con tiếp xúc trực tiếp với những con lợn bệnh, ngành chức năng quyết định tiêu hủy 650 con lợn này. Với số lợn ở các dãy ô chuồng khác, cơ quan chức năng đã kiểm trả kỹ, lợn đang khỏe mạnh, chưa phát hiện dấu hiệu bệnh nên quyết định giữ lại.

Trong những ngày tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai sẽ giám sát tình hình dịch bệnh tại trang trại, tổ chức sát trùng, rải vôi liên tục nhằm ngăn chặn dịch lây lan; đồng thời, liên tục giám sát huyết thanh (khoảng 15 ngày lấy mẫu 1 lần) để kịp thời phát hiện bệnh, trường hợp lợn có biểu hiện bất thường thì lập tức lấy mẫu huyết thanh đưa đi xét nghiệm. Cấm triệt để việc vận chuyển lợn từ trang trại ra bên ngoài.

Ông Quang đánh giá, ổ dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của Công ty Chăn nuôi lợn Phú Sơn là ổ dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta, dịch xuất hiện trong trại nuôi, song chỉ có một ít lợn nhiễm bệnh. Nếu tiến hành tiêu hủy toàn bộ gần 20.000 con lợn thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề (thiếu quỹ đất để chôn lấp, ngân sách chi rất lớn để hỗ trợ), việc giữ lại lợn khỏe mạnh để giám sát dịch bệnh là giải pháp phù hợp, đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thiệt hại.

Theo ông Quang, dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin đặc trị nên ngành chức năng, người chăn nuôi phải tìm cách thích ứng, sống chung với dịch. Trên địa bàn Đồng Nai cũng như cả nước có nhiều trang trại nuôi lợn quy mô hàng chục nghìn con, nguy cơ dịch xuất hiện ở các trang trại lớn là rất cao, cần thiết đề ra phương án xử lý phù hợp khi có dịch.

Đồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của nước ta với tổng đàn gần 2 triệu con. Tháng 4/2019, Đồng Nai là địa phương đầu tiên ở khu vực phía Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, dịch đã xuất hiện trên địa bàn 24 xã thuộc 8 huyện, thị ở Đồng Nai, tỉnh đã tiêu hủy khoảng 25.000 con lợn và chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi.

Công Phong (TTXVN)
Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ ba tại Long An
Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ ba tại Long An

Ngày 25/6, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc tại tỉnh Long An về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Tại địa phương này cũng vừa phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi thứ ba, tại huyện Bến Lức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN