Tập làm đại biểu Quốc hội, giới trẻ đề xuất giải pháp thanh toán xuyên biên giới

Số hóa dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu của du khách quốc tế đến Việt Nam giúp cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất giao dịch mua bán. Đó là giải pháp mà các bạn trẻ trong vai "đại biểu Quốc hội" đề xuất để xử lý tình trạng dòng tiền chảy ra nước ngoài mà Nhà nước không thu được thuế.

Buổi tọa đàm "Quản lý thanh toán trực tuyến xuyên biên giới" tại Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp (SYS) chiều 2/12 diễn ra trong không khí cởi mở. Các "đại biểu Quốc hội trẻ" thuộc Ủy ban Khoa học - Công nghệ của Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ Việt Nam (VNYP) đưa ra các lý lẽ của mình để đi đến kết luận cần phải số hóa dữ liệu cá nhân của khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.

Đề xuất này xuất phát từ thực tế cơ quan chức năng đã phát hiện trong năm qua có nhiều trường hợp máy thanh toán thẻ tại Việt Nam không đăng kí qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, chuyển tiền về Trung Quốc. Chưa có một số liệu thống kê cụ thể số lượng người dùng thanh toán trực tuyến xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng thực tế nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam đã thực hiện các chi tiêu trực tuyến qua các ứng dụng, khiến dòng tiền chảy ngược về phía nước bạn.

Hành vi thanh toán qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến này trên lãnh thổ Việt Nam chủ yếu bằng ngoại tệ, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật của Việt Nam về ngoại hối. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết xây dưng một hệ thống kĩ thuật có khả năng giám sát các giao dịch, từ đó áp dụng các chế tài với những hành vi bất hợp pháp.

 

Chú thích ảnh
Giới trẻ đưa ra giải pháp cho vấn đề thanh toán xuyên biên giới.

Kiến nghị mà các "Nghị sĩ trẻ" đưa ra là người dùng các ứng dụng thanh toán trực tuyến phải khai báo với bên cung cấp dịch vụ khi đăng kí tài khoản trên ứng dụng, bên cung cấp dịch vụ phải khai báo với cơ quan nhà nước… Dữ liệu khai báo nhằm đảm bảo cơ quan nhà nước nắm bắt được thông tin về các chủ thể giao dịch, giá trị, thời gian, địa điểm giao dịch, loại tiền tệ giao dịch…

Theo đề xuất của các bạn trẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền quản lý, truy xuất dữ liệu. Đồng thời, phải tuân thủ những nguyên tắc bảo mật dữ liệu riêng tư.

 

Chú thích ảnh
                       Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia bình luận.

Sau khi các bạn trẻ của Ủy ban Khoa học - Công nghệ nêu quan điểm, các Ủy ban khác về Kinh tế, Y tế, Môi trường... tham gia phản biện và chất vấn. Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia bình luận để làm sáng rõ vấn đề.

Đây là 1 trong 8 buổi tọa đàm chuyên sâu của các Ủy ban thuộc Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ Việt Nam thực hiện trong năm nay, nhằm đề ra giải pháp cho những vấn đề của đất nước.

Tại mỗi buổi toạ đàm, nhóm "Nghị sĩ trẻ" sẽ trình bày nghiên cứu và đề xuất giải pháp về chính sách cho vấn đề mình đã chọn, sau đó nhận sự đánh giá từ phía các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện và trình bày tại Phiên họp toàn thể.

Chú thích ảnh
"Tập làm đại biểu Quốc hội" thúc đẩy giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nóng trong xã hội, đồng thời đưa ra ý tưởng xử lý vấn đề.

Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP) là một dự án giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, và năng lực của thế hệ trẻ Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách và pháp luật của đất nước. VNYP hướng tới xây dựng một diễn đàn chính thống và chuyên nghiệp dành cho giới trẻ để học tập, tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để những công dân Việt Nam trẻ nâng cao năng lực, kỹ năng nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp thiết của giới trẻ hiện nay.

Các "Nghị sĩ trẻ" tham gia dự án là sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội. Dự án đặt mục tiêu giúp thế hệ trẻ nhận thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời tham gia tích cực hơn vào hoạt động xây dựng chính sách và luật pháp của đất nước.

VNYP mong muốn trở thành cầu nối quan trọng giữa Quốc hội và thế hệ trẻ, qua đó góp phần làm cho các chính sách sát sườn hơn với những vấn đề giới trẻ quan tâm. Điều này sẽ làm tăng uy tín, ảnh hưởng của Quốc hội đối với giới trẻ nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Truyền thông thế giới đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP
Truyền thông thế giới đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn CPTPP

Chiều 12/11, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Nhiều hãng truyền thông thế giới đã đồng loạt đưa tin về sự kiện trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN