Giáo dục giới trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội:

Bài 3: Hướng giới trẻ vào các hoạt động bổ ích để tránh nguy cơ sa ngã

Công tác giáo dục thanh thiếu niên phải làm bền bỉ, lâu dài để hướng các bạn trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh, hiểu đâu là giá trị đích thực cần hướng đến. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với những người có kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên để làm rõ vấn đề này.

Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học (TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, Nguyễn Thiên Tú:

Sinh viên cần có “màng lọc” cần thiết để tránh các trào lưu không lành mạnh

 

Chú thích ảnh
Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học (TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, Nguyễn Thiên Tú

Thời gian qua, đâu đó còn có cái nhìn bi quan về giới thanh niên, sinh viên. Thực ra ở Việt Nam hay thế giới thì sinh viên cũng chia ra thành những bộ phận khác nhau, cũng có những người suy nghĩ tích cực, tiêu cực. Một số bạn sinh viên có thể bị bạn bè lôi kéo hoặc nhận thông tin sai lệch trên mạng xã hội…

Các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu niên cần gửi thông điệp cụ thể về những giá trị nên hướng tới, giúp các bạn có kĩ năng, “màng lọc” cần thiết đối với các trào lưu không lành mạnh. Cần lưu ý là muốn thanh niên, sinh viên tham gia các hoạt động của chúng ta thì cách thức tổ chức phải hấp dẫn bởi ở một khía cạnh nào đó, các hoạt động giải trí không lành mạnh đang hấp dẫn các bạn.

Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam mong muốn hỗ trợ sinh viên Việt Nam phát triển cả về 2 mặt trí lực và thể lực. Tất cả các hoạt động của Trung ương Đoàn hay Hội Sinh viên Việt Nam đều đặt yêu cầu Thực chất - Hiệu quả - An toàn. Đó là trụ cột để chúng tôi thiết kế các hoạt động. Nếu không thực chất thì rất khó để hoạt động bền vững và thu hút được sinh viên. Hiệu quả tức là xã hội hóa, tối đa các nguồn lực xã hội để tổ chức hoạt động..

Để tạo ra các hoạt động giải trí lành mạnh, trong tháng 10 này, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tân sinh như các hoạt động team-building, thi hát sinh viên, đêm nhạc tân sinh viên... Hà Nội hiện có khoảng 600.000 sinh viên, lễ hội Tân sinh viên 2018 có thể thu hút được 10.000 – 20.000 sinh viên.

Chúng tôi cũng sẽ tổ chức thêm nhiều diễn đàn nữa cho các em. Trong năm học này, chúng tôi kí kết với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức nhiều hoạt động như cuộc thi Olympic Tiếng Anh cho học sinh sinh viên, cuộc thi Tự hào Việt Nam dành cho học sinh yêu lịch sử…

Tôi hi vọng với nhóm giải pháp vừa tuyên truyền vừa tổ chức hoạt động như vậy sẽ góp phần cải thiện lối sống của các bạn trẻ. Theo khảo sát của Trung tâm với 1.000 người về nhu cầu của sinh viên thì đa phần các hoạt động mà các bạn muốn tham gia đều lành mạnh, phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức.

Sinh viên cần có “màng lọc” đủ tốt để lọc được những cái xấu. Tổ chức Đoàn, hội cần cố gắng để cung cấp kiến thức, thông tin giúp các bạn trẻ có “màng lọc” vững chắc hơn.

TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội:

Thêm cơ hội cho các hoạt động thể thao, nghệ thuật, xã hội thay vì học tối ngày

 

Chú thích ảnh
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TA

Nguyên nhân chính của những sa ngã trong giới trẻ hiện nay chính là việc trao đổi giữa bố mẹ và con cái bị gián đoạn; nhận thức của bản thân các em; môi trường xã hội cũng như nhà trường cũng là tác nhân không nhỏ.

Vậy làm thế nào để giới trẻ không sa ngã vào những cạm bẫy, TS Vũ Thu Hương chỉ ra rằng, trước hết cần cả thiện trao đổi giữa bố mẹ và con cái. Cha mẹ cần tránh đưa ra những áp lực để đứa trẻ xa cách với mình. Cha mẹ không nên lạm quyền “cha mẹ” để áp đặt lên con cái.

Cha mẹ hãy thử sống trong lịch trình của các con mà chính cha mẹ đã áp lên. Đó là, cả ngày đi học ở trường, chiều tối lại học thêm, tối về nhà học mà rất ít những hoạt động vui chơi giải trí. Điều đó cha mẹ có chịu được không. Nếu không chịu được thì cần phải giải tỏa cho con. Ví dụ, cần cho con hoạt động thể dục thể thao, cho con có bạn bè tụ tập, cần tôn trọng suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con. Ví dụ ở độ con có những khoảng lặng riêng tư đầu đời, tôi biết, nhiều cha mẹ đã đi quá sâu vào những câu chuyện tình cảm của con dẫn đến những can thiệp thô bạo. Điều này cực kỳ phản tác dụng. Điều tôi muốn nói là cha mẹ hãy đứng trong tư thế của trẻ để suy nghĩ.

Hiện nay, học sinh, sinh viên Việt Nam có rất ít cơ hội tham gia những hoạt động thể thao, nghệ thuật hay hoạt động xã hội. Nếu có, chỉ xảy đến với một số cá nhân nào đó chứ chưa mang tính phổ biến. Trong khi ở độ tuổi vị thành viên ở các nước trên thế giới giới trẻ được tham gia khá nhiều. Học sinh có thể nghỉ học vài buổi, vài tuần, thậm chí vài năm để đến một trại thú làm các công việc bảo vệ, chăm sóc… Các em cũng có thể tham gia giảng dạy, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở bệnh viện, vùng sâu, vùng xa… Các hoạt động này rất hữu ích để hướng các em vào các hoạt động bổ ích, tránh xa tệ nạn. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động này.

Thực tế, nhà trường có thể vô can trong những hoạt động tiêu cực của học sinh, sinh viên nhưng cũng không nên làm ngơ được. Trong trường học rất nên có những buổi hội thảo về cả những mặt trái của xã hội mà đang là xu hướng thu hút giới trẻ để các em có thể hiểu rõ và phòng tránh hiệu quả.

 

Nam Hoàng – Lê Vân thực hiện
Bài 2: Giới trẻ có thiếu các sân chơi lành mạnh?
Bài 2: Giới trẻ có thiếu các sân chơi lành mạnh?

Nếu các trường CĐ, ĐH chỉ là nơi để học tập kiến thức mà không phải phát triển được các sân chơi phù hợp thì giới trẻ sẽ có xu hướng tự tìm kiếm các sân chơi khác ở bên ngoài, điều này cũng tạo khoảng trống để tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào giới trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN