Cạm bẫy bủa vây
Chị Huệ Anh là một trong những phụ huynh bị ám ảnh về lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây. Bởi vì, cô con gái lớn 16 tuổi của chị đã xin bố mẹ cho tham gia lễ hội âm nhạc này nhưng chị đã không đồng ý cho con tham gia.
"Khi biết tôi không cho con gái tham gia lễ hội này, nhiều bạn bè đã cho rằng, tôi hơi cổ hủ, ngăn cản quyền tự do của con. Bản thân con gái tôi cũng nghĩ rằng, 16 tuổi thì mình có quyền tham dự những sự kiện riêng mà không có sự giám sát của cha mẹ. Nhưng, lý do tôi không đồng ý là tôi không biết rõ về lễ hội âm nhạc đó, không biết con mình sẽ đi với những bạn bè nào, thành phần tham dự ra sao.", chị Huệ Anh kể lại.
Chị Huệ Anh cho biết, con gái chị khá ngoan và học giỏi nhưng điều đó không có nghĩa là cháu không có nguy cơ sa ngã. Một trong những điều chị Huệ Anh và các bậc cha mẹ có con tuổi teen lo ngại nhất hiện nay là có rất loại chất kích thích nguy hiểm bủa vây. Trong khi đó, các bạn trẻ không hiểu rõ về tác hại của các loại chất kích thích này, thậm chí còn hồn nhiên sử dụng.
Nếu lên phố cổ Hà Nội những ngày cuối tuần trước đây, không khó bắt gặp cảnh thanh niên ngồi hít "bóng cười" tại khu phố Tây Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. Em M.H., một sinh viên tại Hà Nội cho biết, cứ cuối tuần lại cùng bạn bè lên phố cổ ngồi uống bia, "chém gió" với bạn bè. Do tò mò, cũng đôi lần em bị bạn lôi kéo thử dùng "bóng cười".
Trong khi giới trẻ cho rằng, "bóng cười" là để giải trí chứ không độc hại trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, cho biết: Khi sử dụng thường xuyên, khí N2O có thể gây ra các rối loạn: cảm giác châm chích ở đầu chi, đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp…
Bên cạnh "bóng cười", shisha cũng là loại chất kích thích được giới trẻ sử dụng rất nhiều tại các quán cà phê, karaoke. Người hút shisha có nguy cơ hít độc chất, các kim loại nặng và chất gây ung thư gấp 100 lần so với hút thuốc lá thông thường.
Điều đáng nói, đã có những thanh niên phải trả giá bằng mạng sống và sức khoẻ vì sử dụng chất kích thích và chất gây nghiện nhưng vẫn vẫn có kẽ hở là chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm "bóng cười", shisha vì chúng không nằm trong danh mục cấm sử dụng.
Những khoảng trống nào trong giáo dục giới trẻ?
Tại Việt Nam chưa có thống kê toàn quốc về số người sử dụng trái phép chất ma túy, tuy nhiên, kết quả điều tra xã hội học năm 2017 tại 6 tỉnh, TP của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 600/100.000 dân trong độ tuổi điều tra từ 15 - 64 tuổi; 8% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Đây là những con số thực sự đáng báo động.
Ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), cho biết: Gần 2/3 số thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định. Đáng chú ý, nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu khiến thanh niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy là khoảng 50% và gấp 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện.
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, những con số cho thấy một thực tế hiện nay là giới trẻ chưa đủ bản lĩnh sẽ rất khó chống đỡ trước những cạm bẫy của ma túy, chất kích thích. Về tâm lý, những người trẻ thường rất muốn khẳng định cá nhân bằng cả những cách tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, do chưa đủ vốn sống, kinh nghiệm nên họ rất dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, thậm chí rơi vào con đường phạm tội.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho rằng, để ngăn chặn giới trẻ sa ngã và phạm tội cần lấp đầy những khoảng trống về giáo dục cho giới trẻ, trong đó cần chú trọng giáo dục về pháp luật. Những trường ĐH, CĐ không đào tạo chuyên ngành luật nên có các môn học pháp luật ngoại khóa, cung cấp kịp thời cho sinh viên những quy định cơ bản của pháp luật an toàn giao thông, pháp luật môi trường, luật giáo dục, luật hình sự, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình… nhằm cung cấp cho người học hiểu những quy định cơ bản của pháp luật hiện hành.
"Sinh viên, giới trẻ được học luật hoặc hiểu về luật pháp sẽ ý thức được hành vi của mình trong quan hệ xã hội, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi có nguy cơ nguy hiểm cho xã hội, có ý thức tôn trọng quyền con người nói chung và các quyền dân sự nói riêng. Cùng với đó, phải tạo ra nhiều sân chơi giải trí lành mạnh cho giới trẻ hơn nữa.", bác sĩ Khuất Thị Hải Anh đánh giá.
Khi tiếp xúc với phóng viên, rất nhiều sinh viên các trường CĐ, ĐH cho rằng, bên cạnh việc học, giới trẻ rất cần những sân chơi bổ ích để giao lưu, kết nối bạn bè. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội sinh viên, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Công Viễn thừa nhận: Để thu hút được sinh viên tham gia hoạt động của Đoàn, Hội là rất khó nếu các hoạt động đó không hấp dẫn, không đáp ứng được đúng nhu cầu của sinh viên.
Tiếp theo: Bài 2: Giới trẻ có thiếu các sân chơi lành mạnh?