Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận hiện nay, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, chưa tạo đủ xung lực mạnh để đưa đất nước tiến tới kỷ nguyên vươn mình. Việt Nam còn thiếu những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; chưa có giải pháp hiệu quả để quy tụ, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước. Các ý kiến cũng thông tin kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực của quốc tế, rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Hội thảo đã đề xuất những giải pháp để Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian tới. Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học Tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, cần cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng phát triển kỹ năng thực hành, tinh thần sáng tạo, tư duy phản biện cho người học; tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Các đơn vị cần có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về làm việc; tạo môi trường làm việc hấp dẫn, minh bạch, cơ hội phát triển sự nghiệp để giữ chân nhân tài; đẩy mạnh đào tạo các ngành, nghề đòi hỏi tay nghề cao, nhất là lĩnh vực công nghệ, giúp chuẩn bị nhân lực cho các ngành công nghiệp mũi nhọn. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải được xây dựng đồng bộ; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phát triển kỹ năng ngoại ngữ và văn hóa hội nhập quốc tế cho thế hệ trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất cần nâng cao nhận thức về phát triển nhân lực số, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy đào tạo phát triển năng lực số, hình thành những công dân số.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiều, Trưởng khoa Khoa học Chính trị (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí có tính định lượng về nhân tài; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả trong thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài…; kiến tạo môi trường làm việc lành mạnh, bảo đảm công bằng về cơ hội, thăng tiến để nhân tài phát huy tốt nhất năng lực, sở trường…
Các ý kiến cũng cho rằng, phải xây dựng và làm rõ chiến lược phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn dài hạn; chú trọng tìm kiếm, phát hiện, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, không giới hạn nhân tài trong hay ngoài nước. Đồng thời, thiết lập các mô hình, hệ sinh thái để nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ hội phát triển, hình thành các “Vườn ươm tri thức”; tiếp tục đầu tư tài chính, huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu, nhằm đáp ứng với sự phát triển của tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đạt được mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, thời gian tới tỉnh cần thu hút rất lớn số lượng nhân lực qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cần nghiên cứu thực hiện các gợi ý mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đưa ra như: Kiến tạo môi trường làm việc hấp dẫn; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ cho nhân lực chất lượng cao; thu hút nhiều dự án lớn, hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao vào địa bàn...
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường Trực Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, các mô hình hay, bài học kinh nghiệm, đề xuất, giải pháp có giá trị cao tại hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần chuẩn bị và triển khai Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.