Tăng viện phí, người dân được lợi?

Từ ngày 10/8, Hà Nội chính thức áp dụng khung giá viện phí mới theo Nghị quyết số 03, ngày 9/7/2014 của HĐND thành phố. Theo đó, mức viện phí sẽ tăng 20%. Vấn đề đặt ra là với việc điều chỉnh viện phí này, người dân có thực sự được hưởng những dịch vụ khám chữa bệnh xứng tầm?

15% viện phí được tái đầu tư cơ sở hạ tầng

Sáng 10/8, ngày đầu thực hiện việc điều chỉnh viện phí, phóng viên có mặt tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố. Do được chuẩn bị tâm lý từ trước, nên không xảy ra tình trạng bức xúc trong bệnh nhân. Một người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: "Việc điều chỉnh viện phí tăng lên cũng là lẽ thường tình, vì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng đều. Tôi nghĩ không phải ngành y tế "tát nước theo mưa" để tăng viện phí, nhưng hiện nay chất lượng khám chữa bệnh nhiều nơi rất kém, một nguyên nhân lớn đó là kinh phí cho công tác khám chữa bệnh chưa đáp ứng tương đồng. Người dân chúng tôi hy vọng, khi viện phí tăng thì chất lượng cũng cần được tăng theo, đây mới là cốt lõi vấn đề".

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phối hợp với Viện huyết học và Truyền máu Trung ương triển khai kỹ thuật tế bào gốc dây rốn để điều trị các bệnh về máu. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN



Theo đại diện Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, việc tăng viện phí lần này đã được nghiên cứu, tính toán kỹ, điều chỉnh chủ yếu các danh mục kỹ thuật chủ yếu do bảo hiểm y tế chi trả, còn lại là đối tượng chính sách được Nhà nước chi trả. Số bệnh nhân khám chữa bệnh dịch vụ bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ không nhiều. “Việc điều chỉnh viện phí lần này khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế, thúc đẩy lộ trình mua bảo hiểm y tế toàn dân. Hiện nay, Hà Nội là địa phương kết dư bảo hiểm y tế lớn nhất cả nước, do đó việc sử dụng hợp lý quỹ sẽ giải quyết bớt khó khăn về kinh phí cho các bệnh viện, thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn”, đại diện này cho biết.

Về việc sử dụng nguồn kinh phí tăng thêm sau khi điều chỉnh viện phí, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, cho biết: Sau khi trừ tất cả các chi phí đã chi bao gồm thuốc men, vật tư tiêu hao, hóa chất, khử khuẩn, cải tạo nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị, nguồn kinh phí này sẽ chia thành 4 quỹ, trong đó buộc phải trích 15% tái đầu tư trở lại cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo dưỡng trang thiết bị trong cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Hưởng dịch vụ chất lượng cao tại chỗ

Ngoài các bệnh viện, các trung tâm y tế và các trạm y tế cũng được thành phố điều chỉnh một số dịch vụ y tế theo khung giá tăng khoảng 20%. Cùng với đó, thành phố còn bổ sung thêm 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có trong quy định, nên cơ quan bảo hiểm chưa có cơ sở để quyết toán. “Với động thái này, các đơn vị y tế trong ngành y tế Thủ đô sẽ có điều kiện tăng thêm giường bệnh, lắp đặt điều hòa, trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh được tốt hơn”, đại diện ngành y tế Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Đỗ Văn Vi, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, việc điều chỉnh viện phí này sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho y tế tuyến cơ sở trong việc đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa. Trong thời gian qua, bệnh viện cũng đã được thành phố đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại như nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng, mổ nội soi... góp phần thu dung nhiều bệnh nhân, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. “Với việc điều chỉnh viện phí lần này, bệnh nhân sẽ tiếp tục có cơ hội được hưởng lợi từ những kỹ thuật cao, được thực hiện ngay tại bệnh viện huyện”, ông Đỗ Văn Vi chia sẻ.

Còn tại xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, do là một xã xa trung tâm, nên khi mắc những bệnh thông thường, người dân xã Thái Hòa, huyện Ba Vì đều tìm đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày, hai bác sỹ của trạm khám cho khoảng 50 bệnh nhân. Tuy nhiên, với những bệnh nặng hơn thì do không đủ trang thiết bị, nên các bệnh nhân vẫn phải tìm tới các bệnh viện tuyến trên để khám chữa bệnh. “Với việc tăng viện phí này, rất hy vọng các trạm y tế như chúng tôi sẽ có điều kiện đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân tại chỗ, góp phần giảm tải cho tuyến trên”, một bác sĩ của trạm cho biết. Cũng theo vị bác sĩ này, xã Thái Hòa có trên 60% số dân tham gia bảo hiểm y tế, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế không làm ảnh hưởng về chi phí khám chữa bệnh của người dân thuộc đối tượng bảo hiểm. Tuy nhiên, với 40% còn lại, thì họ cũng có những băn khoăn nhất định về việc tăng viện phí, đồng thời có mong muốn viện phí tăng thì chất lượng cũng cần tăng tương ứng, cho “xứng đáng với đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra.

Tại hội nghị trực tuyến về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các đơn vị y tế trong ngành, nhằm quán triệt Nghị quyết số 03 ngày 9/7/2014 của HĐND thành phố Hà Nội, Quyết định số 30 ngày 31/7/2014 của UBND thành phố và các văn bản liên quan nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế trực thuộc, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm y đức của người thầy thuốc, nâng cao tinh thần, thái độ lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ; bố trí cán bộ có kỹ năng giao tiếp và trình độ chuyên môn tại nơi đón tiếp để hướng dẫn và trả lời chu đáo thắc mắc của người bệnh và gia đình bệnh nhân. Đồng thời, niêm yết công khai giá dịch vụ tại khoa khám bệnh, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng có thực hiện dịch vụ kỹ thuật; tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và yên tâm khi khám, chữa bệnh với giá dịch vụ y tế mới.

Tuyết Mai

Ngày đầu tăng viện phí ở Hà Nội
Ngày đầu tăng viện phí ở Hà Nội

Bắt đầu từ ngày 10/8, Hà Nội chính thức áp dụng khung giá viện phí mới. Sự điều chỉnh lần này tăng 20% và chưa vượt khung nhằm tạo điều kiện công bằng trong khám chữa bệnh cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN