Thông tin được đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác trẻ em năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 26/1.
Năm 2022, công tác trẻ em phấn đấu có 57% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; giảm 6,8% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em.
Báo cáo tổng kết công tác trẻ em năm 2021, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, năm 2021, dân số trẻ em là 25.160.442 em (chiếm 25,5% tổng dân số cả nước). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, đến cuối năm 2021 còn khoảng 6,9% (năm 2019 là 7,16%; năm 2020 là 7,0).
Trong năm qua, Cục đã chủ động tham mưu, phối hợp cập nhật, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao…; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được phê duyệt; theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí, tích cực tham gia phỏng vấn, tọa đàm trên các kênh thông tin đại chúng để định hướng dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em; tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em…
Đáng chú ý, Cục đã chủ trì tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực trẻ em trong Nghị định 130/2021/NĐ-CP; trình lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 13/2021/TT-LĐTBXH ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; các quyết định của Bộ ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình của Chính phủ về trẻ em…
Đặc biệt, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, Cục đã kịp thời phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo, triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với trẻ, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 như: Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở thực hiện pháp luật, chính sách và các biện pháp hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em (dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em); phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Năm 2021, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 507.800 cuộc gọi đến; tư vấn 35.385 ca (tăng 5.878 ca so với cùng kỳ năm 2020; có 807 ca tư vấn liên quan đến COVID-19); hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca. Năm 2021, tỷ lệ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực cao nhất trong các năm qua với 625 ca, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp, hỗ trợ…
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác trẻ em năm 2021 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Trẻ em bị xâm hại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, nhất là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bạo lực trẻ em trong gia đình; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, bị rơi, ngã ở nhà cao tầng hoặc khi tham gia phương tiện giao thông đưa đón học sinh; nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức hoặc không thể tổ chức do thực hiện giãn cách xã hội.
Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn; nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt bị sáp nhập, giảm đầu mối ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2021 của Cục Trẻ em. Với chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, Cục đã tham mưu, xây dựng, hoàn thành một số văn bản quan trọng, kịp thời; phối hợp tốt với các địa phương để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là trẻ em mồ côi; đa dạng hóa tác phẩm, hình thức truyền thông; công tác phối hợp liên ngành để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em được triển khai tốt hơn.
Chỉ đạo định hướng công tác trẻ em năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, Cục trẻ em nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; lưu ý quan tâm phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi; nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa kiến thức bình đẳng giới vào môn học; tăng cường phối hợp liên ngành, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để họ phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình.
Cục cần quan tâm đánh giá kết quả thực hiện các mô hình về quyền trẻ em; tập huấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng, vùng miền khác nhau; thường xuyên cập nhật thông tin và nắm các vấn đề của trẻ em mà xã hội quan tâm; tiếp tục duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em được cập nhật trong phần mềm trực tuyến từ Trung ương đến cơ sở, vì đây là căn cứ quan trọng để tham mưu các chính sách phù hợp với trẻ em…
Liên quan đến vấn đề bạo lực, bạo hành trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, đây là vấn đề lớn có liên quan đến hai yếu tố: Văn hóa ứng xử trong gia đình và nền tảng đạo đức xã hội, không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mà còn là trách nhiệm của tất cả các cấp, bộ, ngành, mỗi người cùng góp sức vào thì mới mong đẩy được văn hóa lên.