Sức sống của nông thôn mới ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang

Thành phố Mỹ Tho nằm bên bờ sông Tiền, là đô thị trung tâm tỉnh Tiền Giang và đô thị loại I trực thuộc tỉnh được công nhận đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố hiện có 11 phường và 6 xã với diện tích tự nhiên 8.154 ha, dân số gần 230.000 người. Khu vực nông thôn chiếm trên 78% diện tích và khoảng 40% dân số.

Chú thích ảnh
Thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Trong gần 10 năm qua (2011 - 2020), thành phố Mỹ Tho đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề phát triển toàn diện về sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, đổi mới diện mạo vùng ven đô thị còn nhiều tiềm năng và nguồn lực chưa được đánh thức. Trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã ven đô thị của thành phố Mỹ Tho gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, thuần nông mà chủ yếu độc canh cây lúa, sản xuất phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống vất vả, tỷ lệ hộ nghèo cao… Đảng bộ, chính quyền thành phố Mỹ Tho đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mang lại sức sống mới, tạo diện mạo nông nghiệp - nông thôn ngày càng tươi đẹp, hiện đại.

Thành phố Mỹ Tho chọn xã Tân Mỹ Chánh làm điểm chỉ đạo thực hiện rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Đây cũng là xã điểm của tỉnh Tiền Giang trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền thành phố Mỹ Tho cũng phát động phong trào thi đua “Mỹ Tho chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, góp công sức xây dựng nông thôn mới…

Với những bước đi phù hợp, đúng đắn và hợp lòng dân, ý Đảng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại thành phố Mỹ Tho đạt được nhiều thành công. Theo Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho Nguyễn Thành Công, trong giai đoạn 2011 - 2020, thành phố huy động các nguồn lực được gần 1.489 tỉ đồng, đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông, thủy lợi, văn hóa - giáo dục, y tế… theo chuẩn quốc gia, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 300,7 tỉ đồng. Ưu điểm của thành phố Mỹ Tho là tuy huy động nguồn vốn lớn nhưng không nợ đọng xây dựng cơ bản trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại thành phố Mỹ Tho phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân tự nguyện hiến đất hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các công trình công ích - xã hội khác. Ước tính, riêng tổng diện tích đất hiến làm đường giao thông nông thôn lên đến trên 65.000 m2, trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Chánh Lê Ngọc Hóa cho biết, là địa phương được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, xã ban đầu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, chương trình được nhân dân hưởng ứng tích cực, đi đầu là đảng viên, cựu chiến binh, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội ở khu dân cư… Tiêu biểu như ông Dương Văn Thố, sinh năm 1954, là đảng viên, cựu chiến binh đang sinh hoạt tại ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho.

Tại ấp Bình Phong có tuyến kênh Bà Chiểu cần mở rộng, nạo vét lấy nước tưới tiêu phục vụ hàng trăm ha đất canh tác. Với ý thức vì cộng đồng và tinh thần tiên phong gương mẫu của người đảng viên, ông Thố hiến 700m2 đất để mở rộng kênh. Theo gương ông Thố, hàng trăm hộ dân hai bên kênh hiến đất mở rộng, nâng cấp tuyến kênh dài khoảng 1.000 m phục vụ sản xuất và đời sống. Con kênh Bà Chiểu hoàn thành mang lợi ích lớn, đem nguồn nước mát lành tưới cho khoảng 200 ha bưởi da xanh đặc sản nổi tiếng của làng quê Tân Mỹ Chánh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh Nguyễn Văn Khôi cho biết, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân trong xã hiến trên 10.000 m2 đất, trị giá trên 4,2 tỉ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông trên địa bàn, tổng chiều dài trên 15 km, từ đó tạo bộ mặt nông thôn mới tươi vui, hiện đại, thuận lợi giao thương.

Để đạt mục tiêu hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhân dân 6 xã ven đô của thành phố Mỹ Tho đóng góp trên 75 tỉ đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thành phố Mỹ Tho và các địa phương tích cực vận động góp quỹ chăm lo hộ nghèo, giúp gia đình chính sách và các đối tượng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững. Các địa phương còn triển khai mạnh mẽ các chương trình lồng ghép khác như: Xây nhà cho hộ nghèo, nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; trợ giúp vốn để hộ nghèo mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, giúp đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  

Nếu năm 2011 chưa có xã nào thực hiện công tác quy hoạch thì đến nay 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch phát triển. Từ chỗ cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, lầy lội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thì năm nay 100% số xã đã cơ bản hoàn thiện kết cấu giao thông theo chuẩn quốc gia. Về hệ thống điện đạt chuẩn (tiêu chí số 4), khi mới triển khai các xã khởi điểm từ con số 0, nhưng đến nay đều đã hoàn thành.

Tương tự, thành phố Mỹ Tho đã xóa tình trạng xã trắng về điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, 100% số xã xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn; đồng thời xây thêm 40 nhà văn hóa và khu thể thao ở 100% số ấp tại 6 xã ven đô, hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Tổ chức lại sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân (tiêu chí 13) cũng mang lại hiệu quả, tạo bước ngoặt mới cho phát triển kinh tế đô thị ở các xã vùng ven theo hướng đa dạng hóa mô hình, đa canh, mở mang kinh tế hợp tác thay cho thuần nông, tự túc tự cấp trước đây. Cụ thể, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn có 4/6 xã có các mô hình kinh tế hợp tác, trong đó chỉ có 2 hợp tác xã, còn lại là tổ hợp tác, không có xã nào có mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hỗ trợ nông dân; đến nay đã xây dựng được 10 hợp tác xã ở 6 xã, 100% số xã đều xây dựng được mô hình liên kết theo chuỗi giá trị - hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Năm 2014, xã Tân Mỹ Chánh được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang. Lần lượt tiếp theo, năm 2015 là xã Mỹ Phong, năm 2016 xã Trung An, năm 2018 xã Đạo Thạnh và Phước Thạnh, năm 2019 xã Thới Sơn. Đến đầu năm 2020, 100% số xã ven thành phố Mỹ Tho được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới. Đây là cơ sở để thành phố Mỹ Tho trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, vừa tròn 10 năm thành phố Mỹ Tho triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đánh dấu những quả ngọt đầu mùa gặt hái được sau một quãng đường dài lao tâm khổ tứ, chung sức, chung lòng và nỗ lực về đích. Ngày nay, về vùng ven thành phố Mỹ Tho, từ Hóc Đùn (xã Đạo Thạnh) - nơi có căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho (cũ) và căn cứ Thành ủy, đến Trung An, Phước Thạnh - nổi tiếng với “Vành đai diệt Mỹ” Bình Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) năm xưa hay về Tân Mỹ Chánh - làng hoa cảnh lớn nhất tỉnh Tiền Giang, qua xã cù lao sông nước Thới Sơn - cái nôi của du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long…  Đâu đâu cũng thấy diện mạo nông thôn yên bình, đường sá phẳng phiu, cuộc sống người dân ấm no, sung túc. Nông thôn mới đã mang lại sức sống mới. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới ở mức 11,52 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 53 triệu đồng/người/năm, gần 92% lao động trong độ tuổi có khả năng lao động tìm được công ăn việc làm phù hợp, thu nhập ổn định; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ mức 3,58% năm 2011 đã giảm xuống còn 0,99% hiện nay.

Xây dựng nông thôn mới chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Năm 2020, xã Tân Mỹ Chánh phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Tiếp bước, xã Mỹ Phong và các xã còn lại trên địa bàn cũng xác định lộ trình và bước đi thích hợp đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, đồng thời tiến tới chinh phục thêm đỉnh cao mới là xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025.

Minh Trí (TTXVN)
Huyện Bình Lục (Hà Nam) đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Huyện Bình Lục (Hà Nam) đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 13/6, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN