Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết: Để phù hợp với các điều khoản lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những nội dung trong Luật Lao động sẽ được sửa đổi để bảo đảm sự tương thích gồm: Chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; Những công việc cấm sử dụng lao động nữ; Việc sử dụng lao động là người khuyết tật.
Theo quy định hiện hành, nữ giới được ưu tiên về hưu trước 5 năm so với nam giới. Nếu áp ngay tuổi nghỉ hưu theo đề xuất là nữ giới 60 tuổi và nam 62 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng chưa chắc đã bình đẳng và sốc với nhiều người. Đối với việc chênh lệch tuổi nghỉ hưu, trong dự thảo Luật Lao động sẽ quy định theo hướng rút dần khoảng cách giữa nam và nữ. Đối với nam đang quy định là 60 tuổi , nữ 55 tuổi thì theo phương án 1 từ năm 2021 cứ mỗi năm, nam tăng 3 tháng, nữ 4 tháng cho đến khi đủ 62 đối với nam, đủ 60 với nữ. Phương án 2 là tất cả tăng 6 tháng cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 từ năm 2021. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp ổn định Quỹ BHXH về lâu dài.
Dự thảo Luật Lao động cũng sẽ hướng đển bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động liên quan đến các vấn đề giới, quấy rối tình dục, thai sản, tuổi tác…
“Đáng chú ý, các quy định liên quan đến bảo vệ lao động nữ trong thời kỳ thai sản sẽ phải đảm bảo đối với: Giờ làm việc; các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con; điều chuyển công việc khi người lao động nữ mang thai làm công việc nặng nhọc, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con; nghỉ thai sản; bảo đảm việc làm cho lao động nữ vì lý do thai sản; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Theo lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).