Việc làm cho lao động lớn tuổi mất việc

Mỗi năm, hàng trăm nghìn lao động lớn tuổi đứng trước nguy cơ mất việc và khó quay lại thị trường lao động chính thức. Nhất là lao động tuổi trên 35 đang là bài toán với nhiều địa phương.

Đào tạo lại nghề cho lao động lớn tuổi

Trên 30 tuổi, nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN –KCX) canh cánh nỗi lo bị loại khỏi thị trường lao động. Tuy nhiên một số mô hình đào tạo lại nghề cho người lao động lớn tuổi đang minh chứng khả năng tái hòa nhập khi có tay nghề.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho người lao động. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Bị cho thôi việc ở công ty cũ được hơn 5 năm, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Huấn (45 tuổi sống ở Phú Thọ) gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia chương trình hỗ trợ cho lao động bị sa thải gia nhập lại thị trường lao động, chị Huấn đã xin vào làm việc tại Công ty TNHH Phú Đạt. Tại đây, chị được công ty nhận, ký hợp đồng và đóng BHXH. “Dù thời gian đầu có những khó khăn nhưng nhờ được công ty đào tạo lại nên tay nghề đã thích ứng công việc", chị Huấn cho biết.

Trong khi đó, chị Trần Vân Anh (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) tham gia khóa đào tạo nghề của tổ chức Plan đã giúp chị có việc làm mới. Chị Vân Anh trước đó là công nhân KCN Bắc Thăng Long tại Hà Nội với thời gian làm ca liên tục tác động lớn tới sức khỏe. “Sau đó, tôi được tham gia dự án học nghề 6 tháng khóa “Kỹ thuật chế biến món ăn Á” đã giúp cô có được chứng chỉ nghề và đi làm tại nhà hàng của Hàn Quốc”, Vân Anh chia sẻ. Cũng từ dự án mà Nguyễn Thị Dung (30 tuổi, quê Phú Thọ) cũng mở được một hiệu làm tóc nhỏ ngay tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh (SN 1992, quê Vĩnh Phúc) sau học nghề làm tóc và chăm sóc da mặt…

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Nguy cơ lao động lớn tuổi bị mất việc là rất lớn. Nhất là tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất đang sử dụng nhiều lao động sử dụng tay nghề thấp. Đến độ tuổi nhất định, doanh nghiệp sẽ cho nghỉ việc. Do đó, đào tạo kỹ năng nghề sẽ là cánh cửa để họ tiếp tục tham gia thị trường lao động.

Hỗ trợ BHTN cho doanh nghiệp đào tạo nghề

Hiện Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu bổ sung thêm chính sách mới hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp (DN) để tạo việc làm cho lao động lớn tuổi. Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho người mất việc, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ có thêm chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn để không sa thải lao động và hỗ trợ để duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội cho lao động lớn tuổi, tiếp tục nhận những lao động mất việc lâu ngày trở lại làm việc.

Với những ngành sử dụng đông nhân lực như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử… đây là chính sách hỗ trợ quan trọng để kéo dài tuổi lao động cho công nhân. Cụ thể với những lao động nữ từ 45 tuổi – nam 50 tuổi được DN tiếp nhận thì DN đó có thể được nhận hỗ trợ 500.000 đồng đóng BHXH cho lao động. Còn DN nhận một lao động lớn tuổi thất nghiệp thì sẽ được hỗ trợ trả lương 2,5 triệu đồng người trong vòng 6 tháng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đánh giá cao chính sách mới trong thực hiện BHTN. Thay vì chỉ thực hiện chi trả BHTN một lần hoặc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động như trước kia thì việc chuyển tiền Quỹ BHTN sang hỗ trợ trực tiếp DN khó khăn để họ tiếp nhận và hỗ trợ đóng BHXH, hỗ trợ chi phí thuê lao động là việc làm giúp ích lâu dài cho người lao động.

"Tuy nhiên, các khoản mức hỗ trợ cần được tính toán và giám sát chặt chẽ. Nếu không cụ thể hoá cách làm, cơ chế thực hiện, cũng như việc giám sát thì khó tránh khỏi sự thất thoát", ông Quảng chia sẻ.

Về phía DN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, bản thân các DN cần phải tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi làm việc. Có thể bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, năng lực cho họ. Thêm vào đó, tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho họ, nếu không đào tạo được nữa thì phải hỗ trợ trực tiếp DN để họ nhận và đóng BHXH cho lao động.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, việc lao động lớn tuổi bị cho nghỉ việc tại các khu công nghiệp là nguy cơ hiện hữu. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người lao động cần có những chuẩn bị cần thiết. Việc lao động trên 35 tuổi bị sa thải đa phần là những lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp. Do đó việc đào tạo nghề, trong đó dùng nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một chủ trương tốt nhưng cần phải có biện pháp thực hiện hiệu quả; tăng cường giám sát của cơ quan chức năng.

 

XM/Báo Tin tức
Tết Dương lịch 2019 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Tết Dương lịch 2019 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?

Bạn đọc hỏi: Tết Dương lịch 2019 năm nay vào ngày thường, vậy lao động là công chức, viên chức có được hoán đổi ngày nghỉ bù?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN