Cụ thể, tại huyện Hàm Thuận Nam, do cửa xả cống thoát nước của công trình đường ĐT719 và ĐT719B đặt ngay miệng cống thoát nước của kè, cộng với nước biển dâng cao xâm thực vào bên trong kéo cát ra, khiến bờ kè đoạn thôn Kê Gà, xã Tân Thành bị sạt lở, trống rỗng phần bên trong. Diện tích kè bị sụp khoảng 12m2, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ dân.
Còn tại thành phố Phan Thiết, sóng lớn, biển xâm thực mạnh gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại phường Hàm Tiến, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động du lịch. Cụ thể, hơn 200m bờ biển bị sạt lở, khoét sâu vào từ 5 - 7m, có nơi hơn 10m, chiều cao khu vực sạt lở hơn 4m. Mặc dù được chính quyền địa phương thông báo về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, các doanh nghiệp đã thả bao cát, vải bạt, vải địa kỹ thuật che chắn nhưng do sóng mạnh, gió lớn kết hợp triều cường dâng cao đánh liên lục vào bờ nên tình trạng sạt lở là không tránh khỏi.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Ủy ban nhân dân xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam đã rào chắn, căng dây cảnh báo nguy hiểm để người dân biết, không đi vào, phòng tránh nguy hiểm.
Còn tại thành phố Phan Thiết, các đơn vị du lịch đang huy động nhân viên, dùng bao cát đắp, máy xúc, trải vải bạt và tháo dỡ các công trình bị mất đất, lở chân cột. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở, báo cáo tình hình khi sạt lở xảy ra mạnh, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người dân và khách du lịch, hạn chế mất đất, thiệt hại tài sản và mất bãi tắm ven biển.
Việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch thuộc khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, thành phố Phan Thiết là nhiệm vụ cấp bách và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho chủ trương thực hiện. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai lập hồ sơ hướng dẫn thiết kế kè tạm bằng ống cát Geotube tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Phan Thiết hướng dẫn các chủ doanh nghiệp liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thiết kế bảo vệ bờ chung, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, phương án thiết kế, thi công và bảo vệ công trình theo định hướng quy hoạch chung của khu vực.
Như TTXVN đã đưa tin, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã sạt lở, ngập úng tại nhiều địa phương ở Bình Thuận như Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân…, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Huyện Tánh Linh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất với 1 người tử vong và thiệt hại ước trên 32 tỷ đồng.