Người dân bất an
Gia đình anh Đinh Văn Hùng ở bản Ngậm là một trong những hộ dân sinh sống gần khu vực khai thác của mỏ đồng thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc. Từ nhà của anh đến ranh giới hàng rào bên ngoài của mỏ đồng chỉ hơn 30m. Vì vậy, từ khi mỏ đồng bắt đầu đi vào hoạt động, gia đình anh đã chịu ảnh hưởng lớn bởi việc nổ mìn. Năm 2018, trong một lần mỏ đồng nổ mìn đá đã bay vào mái nhà gây hư hỏng.
Anh Đinh Văn Hùng lo lắng cho biết, người dân đi làm từ sáng sớm, trưa về nhà nghỉ ngơi. Nhưng đến giờ nghỉ trưa, mỏ đồng nổ mìn. Người dân kiến nghị nếu mỏ đồng tiếp tục hoạt động cần di chuyển người dân đến nơi an toàn
Cách nhà của anh Đinh Văn Hùng khoảng 100m là điểm trường Tiểu học bản Ngậm, Trường Tiểu học xã Song Pe. Điểm trường này có 29 học sinh học tập trong một dãy nhà cấp 4. Mới đây, nhà trường phải đóng cửa dãy phòng học và chuyển học sinh sang khu nhà công vụ vì ngày 14/1 khi mỏ đồng nổ mìn đã gây ra rung chấn lớn. Sau đó, các giáo viên phát hiện một số vết nứt trên tường của phòng học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, trường Tiểu học xã Song Pe đã yêu cầu đóng cửa và dùng lưới thép rào chắn dãy phòng học này.
Thầy giáo Đinh Văn Ngậm, điểm trường bản Ngậm, cho hay: "Khi phát hiện vết nứt, chúng tôi đã chụp ảnh, báo lên Ban Giám hiệu. Sau khi xuống xem xét cụ thể, Ban Giám hiệu thấy không đảm bảo cho thầy và trò giảng dạy, học tập ở đây, vì vậy đã yêu cầu chúng tôi chuyển sang nhà công vụ để dạy học; đồng thời rào nhà này lại, không cho học sinh chơi hay học nữa."
Thầy giáo Đinh Văn Ngậm cho biết thêm, thời gian qua, giáo viên, học sinh, phụ huynh rất lo lắng. Phụ huynh còn đề nghị nếu hôm nào mỏ đồng nổ mìn, các thầy, cô giáo phải xem có an toàn cho việc học của các con hay không; nếu không đảm bảo thì cho học sinh nghỉ học. Hiện nay, học sinh học trong nhà công vụ rất hẹp, ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Nếu mỏ còn khai thác thì chuyển trường học đi nơi khác để đảm bảo an toàn cho thầy, trò.
Theo người dân bản Ngậm, từ khi mỏ đồng bắt đầu đi vào khai thác đến nay đã khiến một số ngôi nhà xây, công trình vệ sinh của người dân xuất hiện các vết nứt.
Ông Đinh Văn Tương, Phó Trưởng bản Ngậm cho biết, bản hình thành từ lâu nhưng từ lúc có mỏ đồng chuẩn bị vào khai thác người dân rất bức xúc. Trước khi triển khai dự án khai thác tại đây các đơn vị liên quan đã vào thăm dò và họp dân nhiều lần. Khi họp, nhà máy nêu ý kiến nếu ảnh hưởng đến hộ dân nào hoặc nổ mìn rung chấn sẽ sửa chữa giúp dân khắc phục, nếu nguy hiểm đến khu vực nào sẽ di chuyển dân rồi mới khai thác. Nhưng đến thời điểm này, đơn vị khai thác chưa thực hiện được yêu cầu của nhân dân. Không những thế, thời gian qua, việc nổ mìn đã tạo ra rung chấn dưới lòng đất dẫn đến nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là vào mùa mưa.
Cần đảm bảo an toàn cho khu dân cư
Trước những ảnh hưởng được cho là do mỏ đồng gây ra, vừa qua người dân tại bản Ngậm đã làm kè đá ngăn đường vào khu khai thác mỏ. Trước đó, ngày 14/1/2021, hơn 30 người dân bản Ngậm đã đến khu vực dự án mỏ đồng để phản đối việc nổ mìn, khai thác gây ảnh hưởng đời sống và an toàn của các hộ dân.
Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe cho biết, quá trình tổ chức thực hiện khai thác mỏ đồng có một số vấn đề không phù hợp với địa phương nên dân bức xúc, không đồng tình. Như việc mở cửa hầm nổ mìn lộ thiên dẫn đến đá văng vào nhà dân, khiến một số nhà vỡ ngói, nứt ngói hay việc xây kè chắn đất chưa đảm bảo. Trước vấn đề người dân phản ánh, chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan chức năng xem xét nếu thực hiện dự án khai thác mỏ đồng ở bản Ngậm phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và an toàn cho người dân. Hiện nay, khi người dân chưa đồng tình ủng hộ, để đảm bảo an ninh, trật tự, để người dân yên tâm lao động sản xuất, mỏ cần tạm dừng hoạt động.
Làm việc với Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc, đại diện Công ty này thừa nhận việc nổ mìn khiến đá văng vào nhà dân năm 2018 là đúng và đơn vị đã thực hiện bồi thường cho người dân. Còn việc các ngôi nhà trong bản Ngậm bị nứt, đại diện Công ty này cho rằng không phải do việc nổ mìn khai thác mỏ gây ra.
Ông Trần Tấn Hồng Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc cho biết, Công ty đã cử đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo và đại diện người dân bản Ngậm để nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời tìm phương án hợp lý nhất, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Nếu việc di dời các hộ dân sang địa điểm mới để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ được huyện Bắc Yên lập dự án và cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ theo khả năng của mình.
Trước phản ánh của người dân, UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn số 668/UBND-KT ngày 11/3/2021, yêu cầu Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc tạm dừng tất cả các hoạt động triển khai thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác và tuyển quặng đồng tại khu vực bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, đến hết ngày 15/7/2021.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đến kiểm tra thực địa tại bản Ngậm, xã Song Pe. Qua đó, các đơn vị chức năng đã xác định có một vết đứt gãy khá lớn ở quả đồi phía trên của bản Ngậm. Vết đứt gãy này hình thành sau những trận mưa lớn, gây lũ quét và sạt lở từ năm 2018. Thời điểm đó, huyện Bắc Yên đã phải di dời gần 20 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện vết đứt gãy này nằm gần khu vực mỏ đồng và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến hơn 100 hộ dân ở bản Ngậm. Do vậy, tỉnh Sơn La tiếp tục đề nghị các bộ, ngành liên quan giúp tỉnh khảo sát, đánh giá tổng thể khu vực có nguy cơ sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Sau khi có kết quả đánh giá, nếu cần thiết sẽ thực hiện việc di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Đối với Công ty Cổ phần khoáng sản Tây Bắc, có trách nhiệm phối hợp với xã Song Pe và bản Ngậm tổ chức rà soát, di chuyển cục bộ một số hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản để tổ chức di chuyển đến nơi ở mới. Đồng thời, các cơ quan liên quan giám sát doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về khai thác khoáng sản.