Siết chặt trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

“Qua sự việc hồ ở đầu nguồn Nhà máy nước sạch Sông Đà được người dân phát hiện có dầu loang do đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cho thấy, cần phải thắt chặt hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt”, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết.

Chú thích ảnh
Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lắp đặt hệ thống lọc dầu tại hồ Đồng Bài, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Lê Phú/báo Tin tức.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, tại điều 32 Luật tài nguyên nước năm 2012 quy định bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, theo đó, tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác; có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. 

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước là xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước. Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Điều 32 cũng quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Theo đó, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT); tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn. UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương. 

Ngoài ra, Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 quy định xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cũng đã quy định khá cụ thể về nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt…

Chú thích ảnh
Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam xử lý môi trường tại Nhà máy nước sạch sông Đà sau sự cố ô nhiễm dầu. Ảnh: Lê Phú/báo Tin tức.

Mặc dù đã có các quy định pháp luật như trên, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, qua sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà lần này cho thấy có rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trong các văn bản đã ban hành còn thiếu những nội dung gì liên quan đến vấn đề quản lý, đặc biệt là quản lý rủi ro cũng như quản lý hoạt động giữa các cơ quan, chính quyền của các địa phương trong vấn đề cấp nước mang tính chất liên vùng khi có các sự cố xảy ra để phối hợp cùng giải quyết.

Thứ hai: Các đơn vị cấp nước, qua lần này cũng cần phải rút kinh nghiệm tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo đảm cấp nước an toàn và chất lượng nước cung cấp cho người dân, thông báo kịp thời những sự cố, các vấn đề về chất lượng nước cho người dân được biết, làm tăng thêm tính minh bạch trong sản xuất.

Thứ ba: Sản xuất cung cấp nước là hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy cần phải có các điều kiện kinh doanh bắt buộc. Đề nghị trong Dự thảo Sửa đổi Luật đầu tư sắp tới, nên đưa ngành sản xuất cung cấp nước sạch là ngành kinh doanh có điều kiện.

Thứ tư: Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và ban hành Luật sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch. Ngoài quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, giá nước thì bảo đảm an ninh, an toàn và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước là nội dung rất quan trọng. Tiếp sau đó là sự phân công, phân cấp quản lý, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đơn vị cấp nước trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh.

Đề cập tới quy trình kiểm soát chất lượng nguồn nước, theo  PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng: Cần phải qua rất nhiều bước như: Kiểm soát đầu vào trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường; thông qua các trung tâm quan trắc môi trường là phải kiểm tra, đảm bảo lượng nước đầu vào; tiếp theo, nước lấy nguồn nước đầu vào phải đảm bảo chất lượng. Nguyên tắc là các cơ sở sản xuất nước phải có đầy đủ các phương tiện, công cụ và thực hiện nội kiểm.

"Dịch vụ cấp nước khi đưa tới người dân phải được kiểm soát, đảm bảo theo quy định QCVN- 2008 về chất lượng. Ngoại kiểm là quá trình kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Trung tâm kiểm soát bệnh tật, nội kiểm là bên trong nhà máy phải đảm bảo công nghệ, quá trình sản xuất nước", ông Trần Đức Hạ nói.

Minh Phương/Báo Tin tức
‘Nóng’ các vấn đề dân sinh thảo luận tại Quốc hội và lời xin lỗi muộn của Công ty nước sạch sông Đà
‘Nóng’ các vấn đề dân sinh thảo luận tại Quốc hội và lời xin lỗi muộn của Công ty nước sạch sông Đà

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc, thảo luận tại Hội trường hàng loạt vấn đề dân sinh liên quan trực tiếp đến người dân; Công ty nước sạch Sông Đà xin lỗi “muộn” và bồi thường thiệt hại sau sự cố ô nhiễm nguồn nước với người dân; truy thu thuế Asanzo hơn 68 tỷ đồng, chuyển hồ sơ doanh nghiệp này sang cơ quan Công an điều tra… là những vấn đề “nóng” dư luận tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN