Trao đổi bên lề Quốc hội chiều 25/10, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết: Việc Công ty nước sạch sông Đà có văn bản xin lỗi đến người dân và sẽ đền bù thiệt hại cho dân do thời gian qua họ đã phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm dầu thải là điều đáng hoan nghênh.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đánh giá: Đây là động thái tốt chứng tỏ doanh nghiệp đã lắng nghe dư luận xã hội và họ cũng nhận ra phần trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, cần phải xem quy trình kiểm tra chất lượng nước, doanh nghiệp đã thực thực hiện đúng chưa? Nếu họ đã thực hiện đúng thì họ cũng là người bị hại.
Bên cạnh đó, như lãnh đạo Hà Nội cũng đã thừa nhận, qua sự cố này cho thấy hành lang pháp lý trong việc cung cấp nước sạch cho người dân còn nhiều khẽ hở. Đó là sự phối hợp của 2 tỉnh, nguồn nước sông Đà đang cấp nước cho Hà Nội; trong khi chính quyền Hà Nội lại không có thẩm quyền đối với khu vực cấp nước. Đây là bài học lớn cho công tác quản lý, cần phải rà soát lại văn bản pháp quy để việc giám sát chất lượng nước tốt hơn và người dân được cung ứng những sản phẩm dịch vụ công tốt hơn.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chia sẻ.“Qua sự việc này, cũng là bài học sâu sắc cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc cần sát sao, chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Bởi sự việc vừa qua, nếu không phải dầu thải xâm nhập vào nguồn nước mà là một chất khác thì không thể nói trước điều gì. Đây là một sự cố về môi trường cần phải nhìn nhận khách quan”.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Sự cố ô nhiễm nước đã xảy ra và ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dân Hà Nội, ứng xử đầu tiên mà công ty cung cấp nước cần phải làm ngay khi đó là xin lỗi người dân. Việc xin lỗi đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm với người dân, chứ không phải "để bị áp đảo" rồi mới có văn bản xin lỗi. Tuy nhiên đây cũng là động thái để xoa dịu dư luận.