Cơ sở phòng chống tham nhũng, lộ trình tăng lương, tăng tuổi nghỉ hưu
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc, báo cáo, thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025; và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước…
Đáng chú ý, thảo luận tại hội trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần phòng, chống tham nhũng, đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân. Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thu ngân sách nhà nước 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng: Vấn đề nâng ngạch nhằm mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu phát triển thông qua thi nâng ngạch nhưng "không đạt được”. Việc thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm và phù hợp với cơ cấu của cơ quan, tổ chức. Tuy quy định như vậy, nhưng trên thực tế nhiều cơ quan cơ cấu ngạch không có, chưa nói đến vị trí việc làm. Về tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch, hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn, chủ yếu thể hiện trên văn bằng, chứng chỉ… Do đó, dựa trên những gì diễn ra trong thực tế thì "rõ ràng có chuyện tiêu cực".
Liên quan đến lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với Chính phủ về đề xuất tăng tuổi hưu, nhưng có một phụ lục về danh mục nghề nghiệp cần tăng và mỗi một nghề nghiệp cần tăng cũng có lộ trình khác nhau, căn cứ vào các đặc thù, tính chất, môi trường, điều kiện lao động. Đồng thời, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, tức là doanh nghiệp phải tham gia cùng đào tạo nghề với cơ sở giáo dục, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp nghề, để làm sao học viên, sinh viên có thời gian học lý thuyết tại trường và có thời gian thực tập, làm việc tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng/tháng năm 2020 của Chính phủ đã được Quốc hội thảo luận. là phù hợp. Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 (trước khi thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương năm 2021) sẽ điều chỉnh nâng mức tiền lương cơ sở bình quân mỗi năm 8%. Năm 2018, đã tăng lương 7%, năm nay, nếu mức tăng là 110.000 đồng thì tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần Nghị quyết. Vấn đề là Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương được lấy ở đâu. Đấy mới là vấn đề quan trọng… Vì theo tính toán của Chính phủ, việc tăng lương năm 2020 sẽ cần phải dùng đến 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, 40% nguồn tăng thu ngân sách Trung ương của năm 2019 để đảm bảo.
Lời xin lỗi muộn mằn liệu có bồi thường được thiệt hại?
Hơn hai tuần từ ngày xảy ra (8/10) vụ xe tải đổ dầu thải xuống đầu nguồn nước sông Đà, khiến hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội lao đao trong “cơn khát” nước sạch, phơi bày hàng loạt “lỗ hổng” trong quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh nguồn, người dân bức xúc lên đỉnh điểm, nhưng chưa có một lời xin lỗi nào từ phía cơ quan quản lý và cá nhân có trách nhiệm liên quan. Doanh nghiệp và các nghi phạm liên đới đã bị bắt giữ, khởi tố, điều tra, nhưng phải sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước cấp cho Hà Nội, làm rõ nguyên nhân vụ việc; đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân; UBND TP Hà Nội phải có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm; Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước… thì dân mới nhận được lời xin lỗi vào ngày 25/10.
Cụ thể, ngày 25/10,Viwasupco đã có văn bản gửi lời xin lỗi đến người dân, đặc biệt những gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ. Đồng thời, công ty bồi thường thiệt hại cho người dân. Viwasupco xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước); cam kết sẽ có các phương án ứng phó cho tất cả tình huống khẩn cấp, nhằm bảo đảm cung cấp nước ổn định cho người dân, với chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành. Liên quan đến sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà, Viwasupco cho biết đến nay đã hoàn tất khắc phục sự cố, để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng. Ngoài ra, Viwasupco cũng đã xúc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm điều tiết, tiến hành thay mới toàn bộ cát lọc tại vị trí các bể lọc và phối hợp với các đơn vị phân phối nước để thực hiện xúc xả tuyến ống và bể chứa của khách hàng…
Tập đoàn Asanzo có 2 dấu hiệu vi phạm, bị truy thu thuế 68 tỷ đồng
Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã có căn cứ và xác định 2 dấu hiệu vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, gồm: Dấu hiệu xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế. Dự kiến tuần tới, Theo đó, Asanzo đã thực hiện hàng loạt vi phạm trong việc khai thuế và khấu trừ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân không đúng quy định của pháp luật. Sau khi vi phạm, Asanzo đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính.
Vì vậy, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã vừa ban hành quyết định xử phạt về thuế, truy thu Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, với tổng số tiền thuế truy thu, phạt, chậm nộp trên 68 tỷ đồng. Đồng thời, ký quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho cơ quan điều tra Bộ Công an đối với tập đoàn này.
Tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang
Sau nhiều ngày nghị án, sáng 25/10, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên án sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở Giáo dục và Đào tạo) 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn tù tính từ ngày 23/7/2018. Bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) nhận mức án 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn tù tính từ ngày 20/7/2018. Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) 2 năm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 358, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366, Bộ luật Hình sự 2015; giao bị cáo cho UBND phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) giám sát.