Sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam: Sẽ giảm khoảng 200 đầu mối

Ngày 27/3, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động công vụ tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tinh giản 124 biên chế

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, xác định mục tiêu “Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm cải cách hiệu quả thủ tục hành chính. Ngành đổi mới, nâng cao chất lượng tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý, kỷ luật những tập thể, cá nhân gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính hoặc có tinh thần, thái độ phục vụ chưa tốt.

Tổng số biên chế được giao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 19.281 người; hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 2.388 chỉ tiêu. Số lượng công chức, viên chức và lao động hợp đồng có mặt đến hết năm 2018 là 18.593 người (gồm cả hợp đồng chờ thi, xét tuyển); lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 2.163 người.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị tiên phong triển khai xây dựng "Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam" từ năm 2011, với danh mục 240 vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương. Năm 2016, Bộ Nội vụ đã phê duyệt danh mục 119 vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội để thay thế danh mục 240 vị trí việc làm năm 2011. Trên cơ sở khung danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tính đến cuối năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội đã tinh giản được 124 người theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xây dựng đề án đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; qua đó, đề xuất giảm ít nhất 2 đơn vị cấp Ban trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; sắp xếp, kiện toàn, chuyển đổi 1 đơn vị sự nghiệp hiện có trong cơ cấu tổ chức ở cấp Trung ương; giảm 128 phòng, 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, 12 Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên địa bàn huyện thuộc diện không đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên cơ sở kết quả Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cùng với việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, số lượng chức danh lãnh đạo cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương tại các đơn vị hợp nhất, giải thể cũng giảm 480 người. Đến năm 2021, sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tương đương với 2.050 biên chế.

Đối với công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết: Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, công khai, minh bạch. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị trực thuộc từ cơ quan Trung ương đến cấp huyện đều thực hiện nghiêm túc cơ cấu cán bộ quản lý, số lượng cấp phó các cấp ít hơn hoặc bằng so với quy định của Đảng và Chính phủ.

Khó tuyển dụng vì mang tính đặc thù

Các thành viên Tổ công tác đánh giá cao những kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đề nghị ngành nghiên cứu xây dựng tiêu chí sắp xếp tổ chức Bảo hiểm xã hội theo khu vực liên huyện; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tinh giản biên chế một cách hiệu quả. Tổ công tác cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường tổ chức thi tuyển để lựa chọn người có năng lực vào làm việc, hạn chế việc xét tuyển.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Việc tuyển dụng công chức, viên chức vào ngành Bảo hiểm xã hội rất khó khăn vì tuyển dụng theo vị trí việc làm với những đặc thù của ngành, yêu cầu kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng làm việc đa dạng, phức tạp, khi được tuyển dụng vào làm việc vẫn phải mất thời gian dài để tiếp cận công việc. Việc tuyển dụng và sử dụng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội phải rất thận trọng vì có đến 70% công chức, viên chức tiếp xúc trực tiếp với tài chính.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và 7, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế; Quyết định số 1847 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính các cấp.

Cùng với đó, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí hành chính; kết hợp sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; chấm dứt việc sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết thúc trong năm 2019…

Vân Phương (TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội
Nhiều doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội

Đến hết quý I/2019, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai thu nợ được 21% kế hoạch năm, nhưng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc vẫn còn tới 6.654 tỷ đồng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là nợ nhiều nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN