Rút ngắn thời gian cấp thẻ căn cước công dân

Khẩu hiệu “Chưa hết việc là chưa hết giờ” đã được các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an tỉnh Thanh Hóa) thực hiện nghiêm túc trong việc cấp thẻ căn cước công dân.

Tổ chức làm thẻ căn cước ngoài giờ vào thứ 7, chủ nhật; phối hợp với các sở, ban, ngành để làm thẻ căn cước công dân; gửi bản kê khai thông tin cá nhân để công dân thực hiện khai nhận tại gia đình, khi đến các cơ sở làm thẻ căn cước công dân họ chỉ việc chụp ảnh, lấu dấu vân; hoặc phối hợp với các trường THPT để làm thẻ căn cước cho các em học sinh giúp các em chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia… Đây là những kinh nghiệm, sáng kiến của các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ và cấp phát thẻ căn cước đến công dân một cách nhanh nhất.

Công dân được hướng dẫn tận tình khi làm thẻ căn cước

Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn đơn vị đã thu nhận trên 205.000 hồ sơ làm thẻ căn cước công dân và đã cấp gần 202.000 thẻ căn cước cho công dân sử dụng.


Đại tá Trần Minh Thông, Trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngay từ khi triển khai, Phòng đã tự bỏ kinh phí để cử 200 cán bộ, chiến sỹ của ngành ra Trung tâm căn cước công dân (Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư,Bộ Công an) tham gia học tập nâng cao nghiệp vụ trong việc làm thẻ căn cước công dân. Phòng cũng cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm các tỉnh thành khác thực hiện thí điểm triển khai cấp thẻ căn cước công dân để tiếp thu thêm kinh nghiệm.


Khi triển khai tại Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí cải tạo lại phòng làm thẻ căn cước, máy phát điện nhằm phục vụ tốt hơn cho công dân khi đến làm thẻ căn cước.


Ngoài việc làm thẻ căn cước cho công dân tại cơ quan Công an các huyện, thị thành phố, cán bộ chiến sỹ còn thực hiện làm thẻ căn cước lưu động cho các công dân có nhu cầu. Đặc biệt là các trường hợp cần thẻ căn cước gấp như các bệnh nhân tại các bệnh viện. Khi đó các tổ công tác sẽ mang theo máy móc, thiết bị cấp thẻ căn cước công dân đến các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc về tận gia đình làm thẻ căn cước công dân. Với cách làm này đã có hàng nghìn công dân được cấp thẻ căn cước, giúp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn, người cao tuổi không đi lại được có được thẻ căn cước công dân để thuận lợi cho công tác thanh toán bảo hiểm y tế, và các hoạt động khác…


Tiêu biểu như trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Tuấn, dân tộc Mường thường trú tại xã Điền Quang, huyện Bá Thước bị chấn thương sọ não, gia đình lại neo đơn chỉ có 2 mẹ con. Khi bị tại nạn xuống bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cấp cứu, các cán bộ chiến sỹ đã phải đến tận bệnh viện giúp đỡ anh Cường thay quần áo để chụp ảnh, lấy vân tay để làm thẻ căn cước, nhờ đó anh Cường đã thanh toán được bảo hiểm y tế. Hay trường hợp ông Đoàn Văn Cuông, 88 tuổi ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc bị ngã chấn thương sọ não và phải cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các cán bộ chiến sỹ cũng đã đến tận nơi làm thẻ căn cước cho ông Cuông, giúp ông có đầy đủ giấy tờ, thủ tục để thanh toán bản hiểm y tế.


Tại phòng tiếp nhận hồ sơ làm thẻ căn cươc công dân của Công an thành phố Thanh Hóa bình quân mỗi ngày có 180 - 200 công dân đến làm thẻ căn cước. Số lượng người đông như vậy nhưng rất trật tự, nghiêm túc, bởi có sự phân công cụ thể từng cán bộ, chiến sỹ với từng phần việc khác nhau từ công tác tiếp nhận hồ sơ, kê khai thông tin cá nhân, chụp ảnh, lấy vân tay… nên không xẩy ra tình trạng lộn xộn mất trật tự.


Từng bộ phận đều có cán bộ, chiến sỹ hướng dẫn tận tình cho công dân thủ tục, cách làm, cách khai trong hồ sơ…. Tại phòng này cũng được lắp đặt 6 máy camera để giám sát giờ giấc và thái độ phụ vụ công dân, nếu vi phạm sẽ bị phạt vào thi đua của cả tổ, đội.


Bà Lê Thị Hội thường trú tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa cho biết: Chứng minh thư của tôi đã hết hạn, nên tôi đến Công an thành phố Thanh Hóa để làm thẻ căn cước công dân phòng khi có đau, ốm thì mới đủ thủ tục thanh toán thẻ bảo hiểm, đồng thời có thẻ này tôi không cần xuất trình sổ hộ khẩu hay giấy khai sinh và những giấy tờ khác khi có việc xẩy ra. Trong quá trình làm thẻ, tôi cũng được các cô, chú Công an hướng dẫn tận tình, thủ tục làm cũng, đơn giản, gọn nhẹ.


Tuy nhiên, Đại tá Thông, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội thì để việc cấp thẻ căn cước cho công dân được nhanh gọn, thuận tiện, đạt chất lượng cao, phòng cũng kiến nghị Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư trang bị thêm 27 bộ máy thiết bị lưu động làm thẻ căn cước công dân cho 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, bởi hiện nay cả tỉnh mới có 1 bộ máy làm thẻ căn cước lưu động là quá ít. Tại thành phố Thanh Hóa cũng cần ít nhất 3 máy làm thẻ căn cước công dân cố định mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra đường truyền dữ liệu cấp, quản lý thẻ căn cước công dân cần băng thông rộng, tránh tình trạng thường xuyên nghẽn mạng ở các địa phương tỉnh Thanh Hóa…


Bài và ảnh:Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Hơn 1.000 người đăng ký thẻ căn cước tại Hà Nội
Hơn 1.000 người đăng ký thẻ căn cước tại Hà Nội

Khi đến đăng ký, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu. Có căn cước công dân, người dân sẽ không phải xác nhận qua công an xã, phường... đỡ phải đi lại rườm rà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN