Công đoàn các cấp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là một trong những nội dung chỉ đạo trong văn bản số 1918 /TLĐ do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu vừa ký gửi đến Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Văn bản nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến rất phức tạp, con số ca bệnh tăng lên mỗi ngày tại các địa phương; nguy cơ bùng phát dịch trong công nhân lao động, tại các phân xưởng, nhà máy, khu công nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra với mức độ nguy hiểm cao.
Để bảo vệ sức khỏe người lao động, an toàn sản xuất và công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tiếp tục quán triệt các chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 1896/TLĐ ngày 28/4/2021 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Công đoàn các cấp tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; cần có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong phòng, chống dịch; toàn hệ thống cần nâng cao mức cảnh giác, chủ động và quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch bệnh. Ở những nơi đã có người bị dương tính với SARS-CoV-2, cần hạn chế tới mức cao nhất việc tham gia các sự kiện và hoạt động cộng đồng; thực hiện nghiêm quy định 5K, nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và yêu cầu khai báo y tế; thông báo cho chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng dịch; thông báo cho cơ sở y tế gần nhất khi cá nhân có dấu hiệu nghi mắc dịch bệnh.
Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp. Nơi nào có đoàn viên, người lao động bị nhiễm SARS-CoV-2, nơi đó người đứng đầu tổ chức Công đoàn có trách nhiệm.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu những nơi, doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài, Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động kiến nghị, yêu cầu chuyên gia thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quy định về thời gian cách ly tại địa điểm cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà.
Người lao động không quá lo lắng, kỳ thị, tẩy chay chuyên gia nước ngoài, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc. Khi các điều kiện an toàn, không để một bộ phận người lao động lấy cớ có dịch để ngừng việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế và hoãn (đối với nơi đã có người dương tính hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2) tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, tăng cường làm việc và tổ chức các hoạt động trực tuyến, từ xa.
Trong thời gian từ nay đến Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, sớm ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri là đoàn viên, người lao động tham gia bầu cử theo quy định theo quy định, góp phần cùng cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử.