Hàng vạn người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp mỗi năm
Trong tiến trình phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Đây là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, điều kiện làm việc, sức khỏe của người lao động từng bước được cải thiện, tần suất tai nạn lao động đã giảm dần. Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn hàng vạn người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Do đó, cùng với sự phát triển của đất nước, mục tiêu xuyên suốt được Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng là yếu tố con người, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn, 966 người chết. Tổng thiệt hại do tai nạn lao động trên 6.000 tỷ đồng và hơn 150.000 ngày công. Cũng trong năm 2020, qua khám sức khỏe đã phát hiện 3.763 trường hợp bệnh nghề nghiệp, những bệnh phổ biến như: điếc, viêm phế quản, bụi phổi...
Bên cạnh đó, 2020 cũng là năm đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như người lao động.
Trong bối cảnh đó, công tác an toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp công đoàn, thậm chí trước cả vấn đề tiền lương và thu nhập. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho người lao động, thường xuyên khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường nơi làm việc, xe chở công nhân lao động, ký túc xá, khu nhà trọ...; theo dõi và quản lý tốt sức khỏe đoàn viên, người lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh… được tăng cường.
Kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như tăng cường sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn và đội ngũ an toàn vệ sinh viên, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
Các hoạt động này nhằm tạo đợt cao điểm tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống COVID-19; đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở lao động. Đồng thời thúc đẩy công tác phối hợp giữa công đoàn các cấp với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện lao động, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất; khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; tăng cường các hoạt động phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động...
Ngoài ra, Công đoàn cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn yêu cầu công đoàn các cấp triển khai thực hiện ngay một số biện pháp phòng, chống COVID-19. Theo đó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đặc biệt, các cấp công đoàn coi một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và nơi tập trung đông công nhân lao động.
Công đoàn các cấp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, người sử dụng lao động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, nơi làm việc, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở lao động, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.
Trong thời gian này, các cấp công đoàn hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo đúng quy định.
Công đoàn các địa phương nơi có đường biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới; vận động đoàn viên, người lao động cùng tham gia phát hiện, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, kiến nghị xử lý nghiêm theo pháp luật.