Quảng Nam: Lũ rút chậm, 5 người chết và mất tích

Mặc dù từ chiều 16/11 đến sáng 17/11, mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ngừng, lũ trên các sông bắt đầu xuống chậm nhưng nước vẫn một màu trắng bạc trên các cánh đồng. Tính đến trưa 17/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 5 người chết và mất tích do lũ.

Nước lũ nhấn chìm nhà dân ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN


Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quảng Nam, đến 13h30 ngày 17/11, mực nước trên các sông ở Quảng Nam ở mức cao và đang xuống chậm. Mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,95m, dưới báo động II là 0,05m (đỉnh lũ tại Ái Nghĩa cao 10m xuất hiện lúc 2h ngày 16/11/2013, trên báo động III là 1m)...

Dự báo đến chiều tối 17/11, lũ trên các sống tại Quảng Nam sẽ xuống còn xấp xỉ báo động I. Hiện toàn tỉnh có 66/73 hồ chứa thuỷ lợi đã tích đầy nước, các hồ hoạt động bình thường. Hồ Phú Ninh mực nước lúc 7h ngày 17/11/2013 là 31,68/32,00 m và đang xả tràn với lưu lượng là 251m3/s.

Mặc dù lũ đã xuống nhưng trên địa bàn huyện Nông Sơn, các tuyến đường ĐT 610, 611 nhiều đoạn vẫn còn bị ngập sâu trong nước từ 0,5 - 1 m, giao thông đi các xã bị ngập từ 0,5 đến hơn 2 m, hầu hết các vùng trên địa bàn huyện vẫn đều bị cô lập. Từ trung tâm huyện đi các vùng như Hương Quế (Quế Trung), Bình Yên, Dùi Chiêng (Phước Ninh), Ninh Khánh (Quế Ninh)… vẫn chưa thể đi lại được, tuyến đường tỉnh lộ 611 về huyện Quế Sơn bị tắc nghẽn hoàn toàn từ ngày 15/11 đến nay. Các nhà dân ở vùng trũng thấp còn ngập trong nước lũ.

Tại rốn lũ Đại Lộc, nhiều đoạn đường vẫn bị chia cắt, đặc biệt là khu vực cầu Quảng Huế đi Đại Cường; vùng lũ Đại Hưng, Đại Lãnh... người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền, ghe. Đây cũng là vùng bị cát bồi lấp ruộng vườn nhiều nhất của Đại Lộc. Tại huyện Điện Bàn, các thôn Ngân Câu, vùng ven sông Tứ Câu, nước cũng đang ngập nhiều tuyến đường liên thôn, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông...

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, tính đến trưa 17/11, lũ đã làm chết 4 người và 1 người mất tích, gồm: em Lê Ngọc Triều (SN 1996, thường trú tại thôn Ô Gia Nam, Đại Cường) đi ghe lùa vịt gặp dòng nước chảy xiết cuốn trôi và chết; ông Nguyễn Thành Dũng (29 tuổi, ở thôn 5 xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) bị nước cuốn trôi; ông Dương Ngữ (SN 1958, thường trú tại khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ), trong lúc thả lưới ven sông Đầm (thuộc khối phố Ngọc Nam, phường An Phú) đã sảy chân dẫn đến chết đuối; bà Ngô Thị Chí, 70 tuổi, thường trú tại thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, khi đi làm về đã bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ cũng đã làm mất tích 1 người là bà Phạm Thị Lan (73 tuổi, thường trú tại khối 6, thị trấn Vĩnh Điện).

Nhiều tuyến đường đã bị sạt lở hàng chục điểm, với khối lượng đất đá sạt lở lên đến hàng trăm ngàn mét khối. Ngành giao thông vận tải Quảng Nam đang nỗ lực thông tuyến, đảm bảo giao thông. Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết: Lãnh đạo tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do lũ gây ra.

Trước mắt, các cơ quan chức năng huy động lực lượng đưa nhân dân từ các điểm sơ tán về nhà; bố trí lương thực thực phẩm giúp nhân dân sau lũ; huy động lực lượng giúp dân dọn vệ sinh môi trường, sửa lại nhà cửa để người dân nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, tiếp tục sản xuất.


Nguyễn Sơn
34 người chết và mất tích do mưa lũ
34 người chết và mất tích do mưa lũ

Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ tại miền Trung đã làm 34 người chết và mất tích, hơn 98.000 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, Bình Định là tỉnh có số người chết nhiều nhất với 12 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN