Để khắc phục tình trạng này, từ nhiều nguồn vốn, Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhiều công trình chống sạt lở, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư để ổn định chỗ ở và bố trí đất sản xuất cho đồng bào.
Anh Nguyễn Đức Long (ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) chia sẻ, vào mùa nắng, mực nước sông Trường xuống thấp, dòng sông rất hiền hòa. Tuy nhiên, trong mùa mưa lũ, do địa hình có độ dốc cao, lưu vực rộng, nước Sông Trường dâng lên rất nhanh và chảy xiết, gây sạt lở nhiều khu dân cư ven sông. Để bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân, nhiều đoạn xung yếu đã được xây kè bằng rọ đá nhằm ngăn chặn sạt lở nhà cửa, đất sản xuất. Tuy nhiên, các đoạn kè được xây dựng ở những đoạn xung yếu trên sông Trường chỉ mang tính tạm thời nên khả năng chống sạt lở không cao. Hiện tại, tuyến kè dài hơn 2 km dọc sông Trường được xây dựng lại kiên cố nên người dân nơi đây yên tâm hơn khi đến mùa mưa lũ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Toại cho biết, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của dân cư, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, huyện Bắc Trà My đã đầu tư trên 92 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp tuyến kè tại các vị trí xung yếu và những đoạn bị nước lũ gây hư hại với chiều dài hơn 2km. Với tính chất cấp bách của công trình, dự án đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, với hơn 2km bờ kè, các đơn vị thi công đã nhận đủ mặt bằng sạch để thi công. Khi hoàn thành, tuyến kè có nhiệm vụ bảo vệ cho hàng trăm hộ dân trong khu vực và hàng nghìn ha đất canh tác. Ngoài việc chống sạt lở, kè sông Trường còn góp phần trong việc mở rộng quỹ đất để chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị về hướng sông.
Huyện Bắc Trà My có hơn 30 điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở núi, tập trung tại các xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Giang, Trà Đốc, Trà Ka và thị trấn Trà My. Do đó, cùng với việc huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo mặt bằng, việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tái định cư, tạo quỹ đất sản xuất, cải thiện sinh kế bền vững cho đồng bào vùng thường xuyên bị bị lũ quét, vùng sạt lở ven sông được huyện Bắc Trà My đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, đến nay, tại những vị trí xung yếu, thường xuất hiện tình trạng sạt lở núi và sạt lở ven sông, người dân đã cơ bản được tái định cư ở những khu vực an toàn.
Từ các nguồn vốn huy động, huyện miền núi Bắc Trà My tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất, nhất là kiên cố hóa các công trình chống sạt lở gắn với việc hỗ trợ sắp xếp, ổn định chỗ ở cho đồng bào. Trong năm 2023, huyện đã đầu tư trên 21,5 tỷ đồng để sắp xếp, ổn định lâu dài 216 hộ dân, nâng tổng số hộ ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai được bố trí chỗ ở mới trong 3 năm qua lên gần 500 hộ, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Toại chia sẻ, do địa hình hầu hết là đồi núi, độ dốc lớn, việc tìm được quỹ đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đã khó, việc tìm kiếm quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân còn khó hơn. Tuy nhiên, địa phương xác định công tác ổn định chỗ ở cho đồng bào vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu.
Hiện tại cùng với việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm bố trí dân cư trong năm 2023, công tác chuẩn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp Khu dân cư nước Lía (xã Trà Bui), Khu tái định cư thôn 4 (xã Trà Giác), Khu tái định cư thôn 1 (xã Trà Ka) với tổng vốn đầu tư trên 55 tỷ đồng đang được huyện nỗ lực thực hiện để bố trí chỗ ở ổn định cho 120 hộ gia đình đồng bào. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ bố trí chỗ ở ổn định lâu dài cho toàn bộ người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở núi cao.