Quản lý chất thải rắn đô thị: Bài cuối - Thay đổi chính sách để vượt qua 'khủng hoảng chất thải'

Với hơn 70% lượng chất thải rắn phát sinh được sử dụng để sản xuất điện, Nhật Bản được coi là quốc gia thực hiện thành công công tác quản lý, xử lý chất thải rắn bằng cách hình thành xã hội tái chế, tái tạo năng lượng từ chất thải rắn.

Chú thích ảnh
Những đống phế thải vật liệu xây dựng đổ trộm ngổn ngang... Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Nhật Bản đã trải qua những kinh nghiệm cay đắng vì phát triển kinh tế nóng. Tuy vậy, sau đó, nước này đã đưa ra những quy chế, quy định phù hợp với từng địa phương và trung ương, cũng như những công nghệ tái chế phù hợp. Bộ Tài nguyên Môi trường Nhật Bản làm cơ quan đầu mối cho vấn đề này và đã có kinh nghiệm về chính sách, công nghệ được nhiều nước trong châu lục đón nhận. Vào những năm 1960, tốc độ gia tăng chất thải nhanh chóng tại các đô thị ở Nhật Bản, khiến một số đô thị đối mặt với thực trạng thiếu các cơ sở xử lý chất thải và tuyên bố tình trạng “khủng hoảng chất thải”. Năm 1963, khối lượng chất thải rắn chỉ khoảng 13 triệu tấn đã tăng lên gấp đôi chỉ sau 7 năm.

Trước thực trạng này, một số đô thị bắt đầu thực hiện chương trình thu gom chất thải tái chế thông qua phân loại chất thải tại nguồn từ những năm 1970. Các địa phương tự thực hiện thu gom chất thải tái chế theo phương pháp truyền thống. Rác thải lúc này đã là nguồn tài nguyên vì được đem bán. Theo quy trình, rác thải các loại có thể tái chế bị thải bỏ và thu gom theo ngày quy định trong tuần, sau đó được phân loại và đóng gói đem bán. Những năm 1980 - 1990, việc phân loại chất thải tái chế bộc lộ nhiều hạn chế về chi phí do công tác tái chế không ổn định bởi giá thành biến động lớn; khó khăn trong việc mở rộng thêm các loại chất thải, chất thải tái chế mục tiêu. Đến những năm 1990-2000, nhận thức được tầm quan trọng của sự tham gia của các nhà sản xuất, Nhật Bản thay đổi chính sách cho doanh nghiệp có thể sản xuất bất kỳ thứ gì nhưng phải trả phí tái chế hoặc tự chịu trách nhiệm tái chế lại sản phẩm của mình khi bán ra, có nghĩa nhà sản xuất chịu trách nhiệm chi phí xử lý chất thải sau tiêu dùng. Mục đích các nhà sản xuất sẽ tìm cách tối thiểu hóa vật liệu sử dụng nhằm giảm thiểu lượng chất thải, thiết kế sản phẩm có thể dễ dàng tháo lắp nhằm giảm thiểu chi phí tái chế.

Luật tái chế ra đời áp dụng với một số chất thải cụ thể. Nhà sản xuất/nhập khẩu sẽ tiếp nhận xe hơi đã qua sử dụng và tái chế ba bộ phận là túi khí, CFCs, chất thải ép nghiền. Khách hàng sẽ đưa xe hơi không còn sử dụng tới các đại lý vận hành. Phí tái chế được trả khi mua xe. Thiết bị gia dụng như điều hòa không khí, tivi, tủ lạnh, tủ đông, máy giặt, máy sấy khách hàng sẽ đưa đến các cửa hàng bán lẻ để đưa lại cho nhà sản xuất tái chế các thiết bị thải bỏ. Phí tái chế được trả khi thải bỏ thiết bị. Thiết bị điện tử nhỏ như máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, đồng hồ, máy sấy tóc… khách hàng phân loại tại nguồn, thải bỏ theo quy định của địa phương hoặc các đơn vị được cấp phép. Chính quyền địa phương thu gom và vận chuyển, giao cho các đơn vị tái chế được cấp phép. Bao bì, dụng cụ thu chứa người tiêu dùng phân loại tại nguồn, chính quyền địa phương thu gom và phân nhóm, đơn vị kinh doanh tái chế và chi trả chi phí tái chế.

Với các loại vật liệu xây dựng phế thải, chủ đầu tư chi trả chi phí tái chế, nộp kế hoạch phá dỡ và phân loại chất thải xây dựng đến cơ quan có thẩm quyền của địa phương, nhà thầu thi công phá dỡ và phân loại, tái chế, báo cáo hoàn thành việc tái chế với chủ đầu tư. Chất thải thực phẩm người tiêu dùng giảm thiểu và thúc đẩy tái chế, trong khi các đơn vị kinh doanh có liên quan đến thực phẩm cũng giảm thiểu và tái chế, chi trả chi phí tái chế.

Người Nhật Bản tái chế, tái sử dụng tất cả những gì có thể nhờ phân loại sớm rác thải tại nguồn - đó là Tuần hoàn rác của thời cận đại. Nhật Bản cũng là quốc gia trên thế giới sớm phát triển công nghệ đốt rác tải sử dụng năng lượng. Người Nhật áp dụng công nghệ bán hiếu khí đã xử lý rác thải rất tốt đến nước rỉ rác ở các bãi chôn lấp, giảm được 73% khí nhà kính phát sinh từ bãi chôn lấp rác thải.

Hiện Nhật Bản đã áp dụng công nghệ đốt phát điện là công nghệ phổ biến nhất trên thế giới với công suất mỗi nhà máy tối thiểu 500 tấn/ngày. Do quỹ đất hẹp, ngành công nghiệp môi trường phát triển mạnh nên công nghệ chôn lấp ở mức độ vừa phải, chủ yếu cho công nghệ san lấp biển và kè ven biển. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày.

Lựa chon công nghệ tối ưu

Thực tiễn từ Nhật Bản giúp Việt Nam tìm kiếm cách tiếp cận mới cho vấn đề quản lý, xử lý và đặc biệt là tái chế chất thải đô thị.  Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường. Xu hướng thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân. Đây là hai giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị tại Việt Nam.

Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt - hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất hiện tại và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán “năng lượng tái tạo” khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm “năng lượng xanh” như dầu và than nhiên liệu.

Theo ông Hideki Wada (Giám đốc Công ty VWP-Nhật Bản),  mục tiêu của quản lý chất thải đặt ra sẽ giúp quản lý đô thị tốt hơn, về mỹ quan và an toàn đô thị, sức khỏe cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, ô nhiễm túi nilon, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả nền kinh tế. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy xử lý rác thải với phương pháp đốt phát điện có công suất 300 tấn/ngày, Việt Nam phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn từ thực tiễn, điều kiện tài chính cũng như từ các làng nghề truyền thống.

Công nghệ nhiệt phân mới được quan tâm tại Việt Nam khoảng 5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu của các cơ sở khoa học như Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy lực - máy HMC cho rằng, đây là giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong cộng đồng, tái tạo rác thải thành năng lượng phù hợp với xu thế chung của thế giới là tái tạo năng lượng xanh, tạo đất đen có dưỡng chất phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ, giúp các nhà quản lý tạo ra cơ chế quản lý chất thải rắn hiệu quả, phù hợp hơn với đặc thù rác thải của Việt Nam.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Quản lý chất thải rắn đô thị - Bài 2: Khối lượng chất thải không ngừng gia tăng
Quản lý chất thải rắn đô thị - Bài 2: Khối lượng chất thải không ngừng gia tăng

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn bao gồm chất thải rắn đô thị đang gia tăng với thành phần phức tạp, đã và đang gây áp lực lớn lên môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN