Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người. Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, với khoảng 51.400 sinh vật. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng lớn. Nguyên nhân là ô nhiễm nước, không khí, rác thải nhựa, khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức; săn bắt, buôn bán trái phép các loài hoang dã theo kiểu tận diệt, thâm canh nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản không hợp lý, hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này thông qua các chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cũng như sự hỗ trợ, phối hợp từ nhiều dự án quốc tế trong và ngoài nước nhưng suy giảm đa dạng sinh học đang là thách thức rất lớn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về đa dạng sinh học lần thứ 15 (COP 15), Chính phủ khẳng định: Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, không những góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn về đa dạng sinh học trong nước mà còn hướng đến đạt được các cam kết quốc tế quan trọng khác, mang tầm chiến lược để đạt mục tiêu kép: Việt Nam sẽ trung hòa Carbon vào năm 2050.
Tại lễ kỷ niệm, ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế. Đồng thời là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ, voi, voọc chà vá, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển… được xếp địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn và là một trong 200 “điểm nóng” về đa dạng sinh học của thế giới.
Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh tiên phong hành động về đa dạng sinh học, một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học tỉnh. Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương đóng góp vào quá trình phục hồi đa dạng sinh học của quốc gia cũng như toàn cầu, Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên với hơn 40 hoạt động liên quan được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/2024 trên toàn tỉnh. Qua đó nhằm góp phần triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030 của Liên hợp quốc; thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục nghiên cứu nội dung của Khung đa dạng sinh học toàn cầu; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để cụ thể hóa, lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.