Thông cáo báo chí của CBD nêu rõ với tư cách người lãnh đạo Ban thư ký thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng nhất thế giới về đa dạng sinh học, bà Schomaker sẽ nỗ lực biến Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, được thông qua hồi tháng 12/2022, thành hành động ở tất cả các cấp. Thông cáo nhấn mạnh 4 mục tiêu của Kế hoạch đa dạng sinh học sẽ định hình các ưu tiên của bà Schomaker trong thời gian tới, gồm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên; cùng phát triển thịnh vượng với thiên nhiên; chia sẻ lợi ích công bằng; đầu tư và hợp tác.
CBD cho biết Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11/2024 tại Cali, Colombia. Tại đây, các bên tham gia công ước dự kiến đệ trình các Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) sửa đổi phù hợp với Kế hoạch đa dạng sinh học.
CBD lưu ý để chuẩn bị cho COP 16, các bên dự kiến sẽ tiến tới thu hẹp khoảng cách tài chính cho đa dạng sinh học với cột mốc đầu tiên là tăng tổng nguồn tài chính quốc tế dành cho vấn đề đa dạng sinh học từ các nước phát triển lên ít nhất 20 tỷ USD/năm vào năm 2025. Do các bên tham gia chỉ còn vài năm để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Đa dạng sinh học (đến năm 2030), CBD nhấn mạnh cần có thêm nguồn tài chính ngoài những nguồn đã được huy động thông qua Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Ngày 22/5/1992 các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Công ước CBD) tại Nairobi. Công ước CBD có hiệu lực từ ngày 29/12/1993 và tính đến nay đã có 196 nước tham gia Công ước này.