Trước đây, gia đình chị Lưu Thị Thuận ở khu 1, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, giúp chị vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, nên giờ gia đình chị không chỉ thoát nghèo, mà còn trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình ông Bùi Đức Luận, xã Vi Sơn, huyện Lâm Thao, mỗi năm thu lãi hơn 3 tỷ đồng từ nuôi lợn thịt. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Hiện nay, trong trang trại của gia đình chị Thuận có hơn 100 con lợn nái, hơn 200 con lợn thịt, tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 chị em phụ nữ ở cùng khu. Hàng năm, sau khi trừ chi phi, gia đình chị thu lãi gần 700 triệu đồng. Nhằm giúp chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chị luôn sẵn sàng bán lợn giống với giá ưu đãi, cho trả chậm, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn cho chị em. Chị Thuận tâm sự: “Nhờ Hội Phụ nữ giúp đỡ và sự cố gắng của bản thân, nên tôi mới thành công như hôm nay. Vì vậy, được giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn, dù ít thôi, tôi cũng rất vui và hy vọng mọi người đều thành công như mình”.
Cũng là hộ nghèo, năm 2014, gia đình chị Vũ Thị Chinh ở khu 4, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, đã được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện để tham gia mô hình “Vay giống quay vòng”. Với mô hình này, gia đình chị được vay 1.000 con gà giống chất lượng để đem về nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên lứa gà đầu tiên đã cho thu nhập đáng kể. Sau khi trả tiền giống và trừ chi phí, số tiền lãi đã được chị đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và tiếp tục vay gà giống để chăn nuôi tiếp. Đến nay, sau 3 lần vay, tổng số gà giống chị vay của mô hình đã lên tới gần 4.000 con.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Phú Thọ, để phát huy hiệu quả các mô hình giúp chị em thoát nghèo, Hội đã căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng hỗ trợ sao cho hợp lý. Một số mô hình đã đạt hiệu quả như: Với xã Văn Lung, phường Thanh Vinh, có thế mạnh về chăn nuôi thì hỗ trợ mô hình “Vay giống quay vòng”; với xã Hà Thạch thì hỗ trợ mô hình trồng giống lúa mới, trao tặng bò giống sinh sản; còn với xã Phú Hộ thì hỗ trợ mô hình: “Trồng chè Ô Long”…
“Việc triển khai thực hiện các mô hình hiệu quả đã góp phần giúp chị em xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội liên hiệp Phụ nữ thị xã sẽ tiếp tục duy trì các mô hình này để giúp thêm nhiều chị em thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị tại thị xã Phú Thọ”, bà Lan khẳng định.
Hoạt động hỗ trợ vốn được đơn vị xã xác định là vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, lượng vốn cho vay, số hộ chị em được vay để phát triển kinh tế gia đình ngày càng tăng lên. Tính đến tháng 5/2016, tổng nguồn vốn do các cấp Hội quản lý đạt gần 1.200 tỷ đồng, cho hơn 131.000 lượt hộ vay phát triển sản xuất.
Nhờ phát huy hiệu quả đồng vốn vay và sự giúp đỡ của các hội viên nên trong năm 2015 đã có gần 6.300 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,34% (năm 2010 - theo tiêu chí cũ) xuống còn 12,04% (năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).
Hoạt động giúp nhau trong đời sống, phát triển kinh tế đã trở thành phong trào thường xuyên, nền nếp ở các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ. Cùng với đó, phụ nữ đất Tổ còn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Thông qua đó, các hội viên đã chủ động tham gia bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể, lồng ghép các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào các phong trào thi đua của Hội như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, bảo vệ môi trường... Tất cả những phong trào này đã được các hội viên cụ thể hóa thành những hoạt động thiết thực, nhờ đó, vai trò phụ nữ trong gia đình ngày càng được phát huy, góp phần tích cực vào phong trào hỗ trợ phát triển kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững ở địa phương.