Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò lai

Trong những năm gần đây, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai, đã chú trọng phát triển mạnh đàn bò lai trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò địa phương.

Huyện xác định, đây là loài vật nuôi chính trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Hiện nay, huyện Đăk Pơ đã phát triển được hơn 15.500 con bò, trong đó, tỷ lệ bò lai chiếm 85%; là địa phương có đàn bò lai chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh. Đặc biệt, có khoảng 7.000 con bò lai được phát triển trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nuôi nhiều từ 5 - 7 con và hộ nuôi ít cũng có từ 1 - 2 con bò lai. Điều đáng mừng là những hộ đồng bào dân tộc nuôi bò lai đều nhanh chóng thoát nghèo bền vững, có không ít hộ đang từng bước vươn lên làm giàu từ nuôi bò. 

Chăn nuôi bò lai, hướng thoát nghèo ở Đăk Pơ. Ảnh: Văn Thông

Cách đây 10 năm, gia đình chị Đinh Thị Blăh, dân tộc Bahnar, ở làng H'ven (thị trấn Đăk Pơ) thuộc hộ nghèo và được địa phương hỗ trợ một con bê cái lai để nuôi để phát triển đàn. Từ chỗ chỉ có một con bê, nay trong chuồng của nhà chị thường xuyên có 5 con (4 con sinh sản và 1 con đực giống). Năm nào gia đình chị cũng có từ 3 - 4 con bê lai bán ra thị trường với giá khoảng 20 triệu đồng/con, thậm chí có con đực giống nuôi đến lúc trưởng thành bán với giá 80 triệu đồng/con. 

Chăn nuôi bò lai dễ như bò bản địa. Ảnh: tintaynguyen.com

Chị Đinh Thị Blăk cho biết, nhờ nuôi bò lai mà gia đình đã nhanh chóng thoát nghèo, đang tiến tới mức khá và giàu. Kết hợp với một số nguồn thu từ các loại cây trồng khác, gia đình chị có mức thu từ 180 - 200 triệu đồng/năm. Cách đây 2 năm, gia đình chị cũng đã dành dụm làm được ngôi nhà mới khang trang, thoáng, đẹp, trị giá hơn 200 triệu đồng; mua sắm khá đầy đủ các loại đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe máy... 

Nhiều hộ phát triển bò lai thành đàn. Ảnh:nguoichannuoi.vn

Lợi thế ở huyện Đăk Pơ trong việc phát triển mạnh đàn bò lai trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là có Trung tâm giống bò Hà Tam đóng trên địa bàn, thuận lợi cho việc cung ứng giống và phối giống. Những hộ nuôi bò lai ban đầu trong các vùng đồng bào dân tộc đều được hưởng lợi nhiều mặt như hỗ trợ giống, cho mượn giống, thụ tinh nhân tạo... cũng như hướng dẫn quy trình nuôi và phát triển theo đúng kỹ thuật. Hộ nào cũng làm chuồng nuôi nhốt, dành một phần quỹ đất để trồng cỏ lai làm thức ăn cho đàn bò, hạn chế tình trạng chăn thả rông như trước đây; bà con cũng biết tận dụng nguồn phân bón trong chuồng để thâm canh các loại cây trồng. 

Ông Nguyễn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ khẳng định, phát triển đàn bò lai trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thực tế đã cho thấy, chưa có hộ nào nuôi bò lai lại tái nghèo. Do vậy, chủ trương của huyện trong những năm tới vẫn tiếp tục phát triển mạnh đàn bò lai, với nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn, tích cực hơn; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện phát triển được khoảng 17.000 con bò; trong đó, đàn bò lai chiếm tỷ lệ 90%.
Văn Thông
Nông dân Khmer nuôi bò bằng phế phẩm
Nông dân Khmer nuôi bò bằng phế phẩm

Xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đang phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò, mỗi gia đình đều có vài con bò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN