Phân loại rác - từ cơ chế đến hành động - Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt

Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số dẫn tới phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng tăng cao, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Phân loại rác tại nguồn được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác.

Chú thích ảnh
Thùng rác được chia thành hai ngăn riêng biệt đựng rác tái chế và rác không tái chế để người dân tự phân loại rác khi bỏ. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra các quy định cụ thể về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Chậm nhất ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Liên quan đến nội dung này, Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết với chủ đề: Phân loại rác, từ cơ chế đến hành động.

Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt

Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

60.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Năm 2019, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là khoảng 64.018 tấn/ngày, trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày, tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày. Trong năm 2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, có tính chất, thành phần phức tạp. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các tỉnh/thành phố khoảng 81.121 tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25%.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%. Đáng chú ý, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa đạt 100%.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án về phân loại rác tại nguồn. Việc phân loại tại nguồn chưa đạt được kết quả cao do các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Nhiều địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Nhiều trường hợp chất thải đã phân loại nhưng được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện. Một số trường hợp cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung đối với chất thải đã được phân loại nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao.

Vì không được phân loại nên các loại rác đều trộn lẫn vào nhau, nên có đến 71% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho chôn lấp rác tại các địa phương ngày càng hạn hẹp.

Cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyển sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp; trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Ngoài ra, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ tốn diện tích lớn cho xây dựng, chi phí vận hành bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Các nguồn nguyên liệu có thể tái chế… cũng bị vùi chôn mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy.

Trong điều kiện hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn không cho xe chở rác vào các bãi chôn lấp do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bà Dương Thị Thanh Xuyến (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh tổ chức phân loại chất thải tại nguồn hướng tới thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Đặc biệt, phân loại chất thải tại nguồn sẽ giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tối đa chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Hành động nhỏ - hiệu quả lớn

Chú thích ảnh
Rác thải được hướng dẫn phân loại trực tiếp trong quá trình thu gom ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương/TTXVN

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác - bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.

Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. 

Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng…

Chính quyền một số địa phương đã nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn. Từ đó địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để việc phân loại rác hiệu quả ngay từ hộ gia đình và được người dân đồng thuận, tự nguyện thực hiện.

Với định hướng phát triển là thành phố Xanh của Việt Nam, chính quyền thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) nỗ lực thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về bảo vệ môi trường. Một trong số đó là hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Từ năm 2022, với sự tài trợ của các dự án, tổ chức phi lợi nhuận, hàng trăm bộ thùng lưu chứa rác được lắp đặt tại các khu dân phố, nơi công cộng; người dân được hướng dẫn, tập huấn các quy trình, phân loại rác đúng cách. Bà Mai Thị Hồng Phúc (phường Phú Thượng, thành phố Huế) cho biết, gia đình bà đã thực hiện phân loại rác tại nguồn từ rất sớm, không phải đến khi được chính quyền địa phương tuyên truyền. Bà tận dụng vỏ trái cây qua sử dụng để làm nước tái chế enzyme. Bà cũng chia sẻ cách làm với nhiều hội viên phụ nữ xã Phú Mậu và rất nhiều người đã làm theo.

Thành phố Phủ Lý (Hà Nam) bình quân mỗi ngày phát sinh trên 100 tấn rác thải sinh hoạt và được thu gom, vận chuyển, xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt. Nhằm giảm lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý tại các khu tập trung, thành phố thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn với hơn 87% hộ thực hiện. Rác thải hữu cơ được xử lý làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón. Rác tái chế như giấy báo, vỏ hộp sữa, vỏ chai…được gom bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Lượng rác còn lại được thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý rác.

Ông Trịnh Minh Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý chia sẻ, các đơn vị đã tuyên truyền, tập huấn cho người dân, từng bước xây dựng thói quen phân loại rác tại hộ gia đình. Qua đó từng bước chuyển biến nhận thức của người dân. Phân loại rác thải tại nguồn đã giảm khoảng 50% lượng rác thải của thành phố.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn...

Bài cuối: Đồng bộ từ phân loại đến xử lý

Hoàng Vân (TTXVN)
Xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải sinh hoạt
Xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải sinh hoạt

Hiện nay, người dân vứt bỏ rác thải sinh hoạt tràn lan nhiều khu vực dân cư ở tỉnh Tây Ninh gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN