Nơm nớp lo cẩu tháp xây dựng

Thành phố Hà Nội giống như một công trường xây dựng với nhiều công trình giao thông, tòa nhà đang được thi công. Cùng với đó là nguy cơ tai nạn lao động luôn thường trực do quy trình an toàn bị “bỏ ngỏ”, nhất là tại các công trình có cẩu tháp.

Nguy cơ rình rập

Rạng sáng ngày 11/3, tại công trình cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh (Hà Nội), một tấm dầm thép nặng cả trăm tấn khi đang được cẩu di chuyển thì bất ngờ lật nghiêng, chắn ngang đường. Rất may xảy ra vào rạng sáng nên không có thiệt hại về người, nhưng vụ tai nạn được đánh giá là nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân, tại khu vực thi công cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, công tác bảo đảm an toàn lao động được triển khai cẩu thả, rào chắn chỉ là những dải dây buộc trên những cọc nhựa, sát bên là những mép rãnh đào sâu tới hơn mét. “Đã vậy đất cát khu vực thi công để tràn đường khiến nhiều xe máy dễ bị trơn trượt. Phía đường Nguyễn Chánh, đoạn giao với Trần Duy Hưng bị thu hẹp lại 2/3 lòng đường. Vào ngày thường nơi đây ùn tắc trầm trọng”, anh Nguyễn Đức Hoàng, người dân khu vực Nhân Chính cho biết.

Cần cẩu tháp vươn ra ngoài đường vào giờ cao điểm tại một công trình xây dựng ở Hà Nội.

Cùng với các công trình giao thông, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng với hàng chục cẩu tháp vươn ra ngoài đường luôn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn. “Tại ngã ba đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh, cần cẩu công trình xây dựng nhà cao tầng đặt sát mép đường thường vươn cẩu tháp ra ngoài đường vào giờ cao điểm. Đây là tuyến đường đông người qua lại khiến ai đi qua cũng lo sợ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với địa phương và cơ quan chức năng xem xét ”, bà Phạm Thanh Thủy, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết.

Trong 2 năm trở lại đây, Hà Nội luôn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất trong cả nước, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và giao thông. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 56 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 59 người chết. Vụ tai nạn do sập cẩu tháp vào cuối năm 2015 khiến 3 người chết tại công trình xây dựng Tòa nhà Lilama (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) là bài học sâu sắc về tình trạng mất an toàn lao động trong thi công xây dựng hiện nay.

Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, kiểm tra tại công trường xây dựng cho thấy nhiều đơn vị thi công vẫn xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Công tác kiểm định máy móc, thiết bị nâng có biểu hiện làm “qua loa” trên giấy tờ mà không thực nghiệm tại hiện trường.

Tăng cường thanh kiểm tra

Theo ông Nguyễn Quang Huy, phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng (Sở Xây dựng), nguy cơ tai nạn từ cẩu tháp đang hiện hữu. Ngay sau sự cố sập cần cẩu tại công trường thi công đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào tháng 5/2015, Sở đã chủ trì tiến hành tổng kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên địa bàn có sử dụng cần cẩu tháp. Nhưng nhiều chủ đầu tư không xuất trình được phương án sử dụng cần cẩu, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thi công. Sau đợt kiểm tra đó và từ thực tế, Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn an toàn. Quy định là vậy nhưng hiện nay ở Hà Nội, một số chủ đầu tư dự án, đưa cẩu tháp vào hoạt động nhưng vẫn chưa xin cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền và hoạt động ngoài giờ quy định.

Còn đại diện Sở LĐTBXH cho rằng, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này.

Để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động từ các công trình xây dựng giao thông, tòa tháp, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật như quy định về an toàn, thực hiện cảnh giới cảnh báo, kiểm tra nhật ký thi công cần cẩu tháp, chế độ định kỳ bảo hành. Trong mùa mưa bão, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải hạ cần cẩu tháp, tránh để khi xảy ra gió quá mạnh dẫn đến vặn cần cẩu tháp, đổ.

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐTBXH Hà Nội) cho biết: Từ đầu năm đến nay đã thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn lao động tại 50 doanh nghiệp và công trình xây dựng. Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND thành phố tiến hành phân cấp công tác quản lý về an toàn lao động cho UBND các quận, huyện. Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực vào tháng 7/2016 cũng đề cập đến vai trò quản lý Nhà nước của UBND các cấp đối với công tác này.

Theo quy định hiện nay, đối với vi phạm đảm bảo an toàn lao động tại các công trường xây dựng, Sở LĐTBXH hoặc các Sở Xây dựng, Sở Giao thông đều có thể vào kiểm tra, xử phạt theo từng chuyên ngành riêng. Việc này dẫn đến sự chồng chéo và chia cắt khiến hiệu lực thi hành không cao. “Do đó, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016, các quy định về việc đảm bảo an toàn lao động, thiết bị nâng sẽ tập trung đầu mối là ngành lao động quy định và thống nhất trong thanh kiểm tra”, ông Nguyễn Anh Thơ, Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Di dời hộ dân khỏi khu vực ảnh hưởng của cẩu tháp 87 Lĩnh Nam
Di dời hộ dân khỏi khu vực ảnh hưởng của cẩu tháp 87 Lĩnh Nam

Các hộ dân bị ảnh hưởng của cẩu tháp dự án 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã được di dời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN