Vụ gãy cần cẩu gần đây tại công trường thi công dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) khiến nhiều người lo ngại về tình trạng an toàn của các cẩu tháp đối với người tham gia giao thông và các hộ dân xung quanh. Nhất là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa với hàng trăm tòa nhà, công trình giao thông lớn đang triển khai thi công.
Nơm nớp lo ngại
Chị Lan Hương, nhà gần công trường xây dựng tại số 9 Cát Linh (Hà Nội) luôn nơm nớp lo ngại vì “cánh tay” dài của chiếc cần cẩu luôn vươn ra ngoài phạm vi công trường. Mỗi khi nhìn thấy cần cẩu hoạt động, chị Hương luôn đặt câu hỏi: “Liệu có đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố bởi chiếc cần cẩu trông khá cũ, nhất là gần đây báo chí thông tin nhiều về những vụ tai nạn liên quan đến cần cẩu”.
Cần cẩu ở công trình số 9 Cát Linh luôn khiến người dân lo ngại về mức độ an toàn. Ảnh: Xuân Minh |
Anh Nguyễn Hữu Đạt (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cũng trong tình trạng lo ngại tương tự khi hàng ngày phải đi qua ngã ba Hoàng Sâm - Hoàng Quốc Việt, nơi một công trình cao tầng đang xây dựng với chiếc cần cẩu khi vận hành thường vươn ra ngoài đường. “Tuy nhiên, không thể vì thế mà không đi qua, bởi đây là tuyến đường duy nhất thông ra đường Hoàng Quốc Việt”, anh Đạt chia sẻ.
Còn ông Mai Xuân Lưu, tổ dân phố ngách 2, ngõ 452/2 Trương Định, bức xúc kể về sự tắc trách khi thi công của công trình văn phòng cao 11 tầng sát với ngõ 452. “Trong quá trình thi công, công trình này đã 1 lần đổ sập dàn giáo xuống ngang ngõ vào cuối năm 2014, nhưng may mắn không ai bị thương.
Trước đó, một thanh sắt lớn đã rơi xuống cắm thủng mái nhà tôi, khiến cả gia đình luôn phải cảnh giác. Đơn vị thi công đã sang làm việc, cam kết không để vật liệu rơi xuống mái nhà nhưng không lâu sau mái nhà tôi lại bị gạch từ công trình rơi xuống”, ông Lưu cho biết.
Còn với dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, nhiều người dân qua lại đây cũng luôn nơm nớp vì sự nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Chị Trần Thị An ngày nào cũng đi làm qua tuyến đường Nguyễn Trãi, luôn phải cảnh giác bởi tia lửa hàn bắn ra ngoài đường, vật liệu rơi bất cứ lức nào. “Nhiều công trình giao thông, tòa nhà xây dựng ven đường, tình trạng cần cẩu lơ lửng trên đầu khiến không ít người đang tham gia giao thông luôn lo ngay ngáy. Nhất là mới đây đã xảy ra liên tiếp tại tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội”, chị An bức xúc.
Thắt chặt quy định an toàn
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 19 cẩu tháp hoạt động tại 19 dự án, trong đó 3 cẩu tháp tại 3 dự án đã hoàn thiện và đã báo cáo Sở Xây dựng. Thực hiện chỉ đạo UBND thành phố, Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn tại các công trường có sử dụng cẩu, tháp thi công và 43 rào chắn tại các công trình giao thông. Đối với cẩu tháp, tập trung kiểm tra các nội dung như: Vị trí lắp đặt, kết cấu và giải pháp sử dụng cần cẩu. Với những công trình có sử dụng cẩu tháp có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân bên ngoài, sở đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn an toàn. Song nhiều đơn vị đã không chấp hành nghiêm túc những quy định này, dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân”.
Sở Xây dựng cũng phối hợp với các quận, huyện tổng kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên địa bàn. Nếu dự án nào không có phương án sử dụng cần cẩu, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thi công, đoàn kiểm tra sẽ đình chỉ hoạt động.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 công trình xây dựng nhà ở cao tầng đang sử dụng cẩu tháp nằm ngay sát trục đường Lê Văn Lương thuộc quận Thanh Xuân. Tại công trình nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại (HACC1 Complex Buiding) ở 26 Lê Văn Lương, đơn vị đang thi công phần móng ngầm, có sử dụng cẩu tháp thi công với phạm vi hoạt động ra cả ngoài công trường. Tuy nhiên, chủ đầu tư không xuất trình được phương án lắp đặt, sử dụng cẩu trục nhưng đã đưa vào hoạt động từ nhiều tháng qua, thi công chưa có biện pháp đảm bảo an toàn khi quay đuôi cẩu ra ngoài hàng rào xây dựng, không có cảnh giới ở hai đầu công trình và vi phạm hoạt động cẩu tháp vào ban ngày. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như rơi vật liệu xây dựng, đổ cần cẩu với phạm vi ảnh hưởng có thể lên tới gần 100 m. Đoàn kiểm tra đã xử phạt chủ đầu tư và đơn vị thi công từ 20 - 30 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tạm dừng ngay việc sử dụng cần trục tháp, hoàn thiện tất cả hồ sơ.
Còn tại tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace ở ô đất C3, đường Lê Văn Lương (do Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và Phát triển đô thị làm chủ đầu tư), cẩu tháp của công trình này cũng đang hoạt động vươn ra ngoài hàng rào của dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra từ chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát đều không có mặt. Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chủ đầu tư, đơn vị quản lý đã vi phạm quy định khi không giám sát công trường. Sở Xây dựng đã giao Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cung cấp phương án thi công đảm bảo an toàn. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không phối hợp, không xuất trình được giấy tờ pháp lý hợp lệ, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội tạm đình chỉ thi công dự án này.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, các công trình thi công đều phải thực hiện đúng quy trình về an toàn lao động. Không thể vì tiến độ, vì sớm hoàn thành dự án mà lơ là công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông.
Minh Nghĩa - Xuân Minh