Nỗ lực bảo tồn và trách nhiệm cho mai sau

Ngày Thế giới bảo vệ động, thực vật hoang dã (3/3) năm 2021 với chủ đề "Rừng và Sinh kế: Duy trì sự bền vững cho nhân loại và hành tinh" đã nhấn mạnh thông điệp về vai trò của rừng, các loài hoang dã và các dịch vụ hệ sinh thái trong việc ổn định sinh kế cho hàng trăm triệu người trên trái đất, đặc biệt là các cộng đồng bản địa gắn kết với rừng và sinh sống gần rừng.

Chú thích ảnh
Các cá thể gấu sau khi được cứu hộ được sống ở môi trường bán hoang dã. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Theo Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, hiện nay, động - thực vật hoang dã trên thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, sự thu hẹp môi trường sống, nạn săn bắn, buôn bán trái phép, trong chưa đầy nửa thế kỷ, 2/3 quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm. Báo cáo của Vườn thực vật Hoàng gia Kew (Anh) cũng cho thấy các loài thực vật cũng đối mặt với nguy cơ tương tự khi 2/5 tổng số các loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.

Việt Nam đang cùng các tổ chức nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật. Theo đó, năm 2020 đã có hơn 1.100 cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, tịch thu và tự nguyện chuyển giao đến trung tâm cứu hộ; trong đó có 436 cá thể chim, 362 cá thể rùa, 120 cá thể khỉ, 15 cá thể rùa biển và nhiều loài động vật hoang dã khác. Bên cạnh đó, trong nỗ lực bảo tồn rừng với mô hình kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều địa phương giúp nâng cao chất lượng rừng, nhiều loài thực vật quý hiếm được phục hồi, mang lại hy vọng bảo tồn mới.

Điển hình, năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển các loài động vật, thực vật hoang dã có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội” với ngân sách hơn 28 tỷ đồng nhằm đánh giá hiện trạng các loài động, thực vật quý hiếm cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn động, thực vật quý hiếm. Cũng năm 2020, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đã bảo tồn thành công hai loài thông quý hiếm là thông Pà Cò và thông Đỏ Bắc. 

Động, thực vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên, có vai trò quan trọng với đời sống con người khi có tới 200-350 triệu người trên thế giới sống phụ thuộc vào các dịch vụ sinh thái mà rừng và các loài sinh vật đem lại, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.

Trong quá khứ, động vật hoang dã thường bị coi là nguồn thức ăn, thuốc đông y hoặc các món đồ có tác dụng tâm linh, trừ tà. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã không mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, thậm chí còn có nguy cơ gây ra các đại dịch như Ebola, HIV, SARS và gần đây dịch COVID-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Ngoài ra, sở hữu các sản phẩm, bộ phận, dẫn xuất… của động vật hoang dã nguy cấp như da, móng, vuốt, ngà voi, sừng tê… có thể bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, thay vì hứng chịu bệnh tật hay lâm vào vòng lao lý, con người cần nhìn nhận động vật hoang dã là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái và bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Khi động vật hoang dã dần tuyệt chủng, cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa do bệnh tật, thiên tai hoặc biến đổi khí hậu.

Ngày thế giới bảo vệ động, thực vật hoang dã năm 2021 một lần nữa nhắc nhở người dân Việt Nam và thế giới về trách nhiệm đối với tự nhiên - Điểm tựa để tạo ra sinh kế cho cộng đồng nhưng đổi lại, con người cần học cách trân trọng, bảo vệ không chỉ hôm nay, còn cho thế hệ mai sau.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã
Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã cần phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN