Các vườn quốc gia đã phối hợp với các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, giám sát và bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả.
Nỗ lực bảo tồn của Vườn quốc gia Pù Mát
Nằm trên địa bàn 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương (tỉnh Nghệ An), Vườn Quốc gia Pù Mát có tổng diện tích 94.719.4 ha, bao quanh bởi vùng đệm có diện tích khoảng 84.000 ha. Với diện tích này thì Vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những vườn quốc gia có diện tích lớn nhất tại Việt Nam, chỉ đứng sau Vườn Quốc gia Yok Đôn ở tỉnh Đắc Lắk và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình.
Để không xảy ra những vụ việc xâm hại lớn về rừng, những năm qua, lực lượng kiểm lâm thuộc 13 trạm kiểm lâm của Vườn thường xuyên tăng cường công tác tuần tra bảo vệ, luôn củng cố tổ chức, thực hiện luân chuyển cán bộ; điều động bổ sung lực lượng cho các vùng xung yếu, nhất là khu vực nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua và những nơi được coi là điểm nóng về các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, do địa hình đa dạng và phức tạp, Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều động, thực vật hoang dã thuộc diện cần bảo tồn đa dạng sinh học. Đối với công tác cứu hộ động vật hoang dã, từ đầu năm 2020 đến nay, Vườn đã tiếp nhận từ các cơ quan chức năng, hộ gia đình để cứu hộ 70 cá thể động vật hoang dã gồm các loài: tê tê Java, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ, rắn hổ mang, vượn đen má trắng, mèo rừng, cáo và các loài rùa… Vườn đã chuyển giao cho Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW), Trung tâm Cứu hộ rùa Cúc Phương 33 cá thể động vật.
Hiện tại, Vườn đang tổ chức cứu hộ 16 cá thể động vật gồm: 2 cá thể gấu ngựa, 3 cá thể vượn, 6 cá thể khỉ, 1 cá thể cáo đỏ, 4 cá thể tê tê; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam và Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện 2 đợt tái thả với số lượng động vật 195 cá thể. Vườn Quốc gia Pù Mát còn thực hiện đúng tiến độ chương trình nghiên cứu khoa học năm 2019 với đề tài “Điều tra, đánh giá thành phần loài, hiện trạng xâm lấn và đề xuất các giải pháp hạn chế sự tác động của sinh vật ngoại lai đến Vườn Quốc gia Pù Mát”. Bên cạnh đó, Vườn cũng chỉ đạo hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam trong công tác cứu hộ động vật, nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
“Hiện đơn vị cũng phối hợp hiệu quả với nhiều tổ chức khác trong điều tra nghiên cứu về lưỡng cư, côn trùng, bò sát, đặt máy bẫy ảnh điều tra động vật. Kết quả đã chụp được nhiều loài động vật có giá trị bảo tồn cao như: tê tê, gấu, mang, cầy vằn, sơn dương… Đơn vị cũng tăng cường quan hệ hợp tác với Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã. Hợp tác với Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam và Vườn thú Ausralia tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực trong việc chăm sóc cứu hộ gấu, làm giàu thức ăn cho động vật tại Trung tâm Cứu hộ; hợp tác với Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thực hiện dự án “Đánh giá chiến lược tái thả cho các cá thể rùa đầu to nguy cấp được tịch thu tại Việt Nam”, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát Trần Xuân Cường chia sẻ.
Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp thực hiện một số hoạt động điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học như hợp tác với Viện Nghiên cứu động, thực vật hoang dã (IZW), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Hiệp hội Bảo tồn Taronga Zoo, Australia. Vườn Quốc gia Pù Mát còn thực hiện tốt công tác bảo quản mẫu tiêu bản từ các chương trình nghiên cứu, sưu tầm trong rừng từ khi thành lập cho đến nay. Công tác theo dõi, quản lý hồ sơ các chương trình nghiên cứu được chỉ đạo lưu trữ cẩn thận, phục vụ tốt cho việc tra cứu và khai thác cho các chương trình nghiên cứu, giáo dục bảo tồn tại Vườn Quốc gia Pù Mát.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
Để giám sát, bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, Tiến sỹ Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, kể từ tháng 10/2019, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã hợp tác cùng với Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) và Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) thuộc Cộng hòa liên bang Đức thực hiện khảo sát bẫy ảnh trên trên toàn bộ diện tích của Vườn. Mặc dù khảo sát chỉ mới hoàn thành được một phần tiến độ nhưng các kết quả ban đầu cho thấy Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có mức độ đa dạng các loài thú rất cao, ít nhất 21 loài với 7 loài đang bị đe dọa toàn cầu đã được ghi nhận. Đây là công việc thường xuyên, liên tục của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, mà chủ yếu là của các cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia và các nhóm cộng đồng để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã.
Đặc biệt, hiện Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đã phối hợp với Tổ chức Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam áp dụng công nghệ sử dụng máy bay không người lái trong giám sát bảo vệ động vật hoang dã có gắn chíp phát sóng của Australia - công nghệ này lần đầu xuất hiện ở Việt Nam và cũng là lần đầu được thực thi bên ngoài Australia.
“Đặt “bẫy ảnh” thì không thể đặt được hết mọi chỗ nhưng chúng tôi đặt theo tỷ lệ, cứ 500 m đến 2 km “cài” một bẫy ảnh. Trong vài tháng đặt bẫy không hẳn con nào cũng được phát hiện vì máy ảnh chỉ đặt giữa rừng. Đã quá lâu rồi những cá thể quý hiếm như: tê tê vàng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, beo lửa, chó rừng, chó sói, sói lửa… đều không còn chụp được trong rừng Việt Nam. Đáng lo nhất là trong vòng 10 năm tới, làm thế nào để phục hồi và tái thả lại những cá thể đã mất”, Tiến sỹ Lê Văn Hương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã (Tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife) Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn tê tê thế giới (IUCN), với công nghệ máy bay không người lái, có gắn cục thu sóng vào máy bay và gắn thiết bị phát sóng vào con tê tê từ khi thả. Khi thiết bị bay lên trời, nó sẽ thu sóng lại để xác định địa điểm tê tê đang di chuyển ra sao. Trường hợp xấu nhất, sau khi tê tê được thả vào rừng, nếu như tê tê bị bắt lại thì không kiểm soát hết được. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn một số hạn chế bởi tầm bay của máy bay này mới chỉ bắt được sóng trong khu vực cách khoảng 2 km; đồng thời với địa hình rừng núi suối khe quá hiểm trở cũng ảnh hưởng đến thiết bị.
Hiện Tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife là đơn vị duy nhất cứu hộ tê tê vàng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương và Pù Mát và ở cả Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 9 cá thể. Theo các chuyên gia, muốn phát triển đàn tê tê vàng để đảm bảo các con giống và sau này sinh sản hàng trăm con trước khi tái thả tự nhiên, đòi hỏi Việt Nam cần nghiên cứu thêm thật kỹ hay hợp tác với những nước khác.
“Khi bảo vệ loài tê tê khỏi bị tuyệt chủng, thường thì chúng tôi tác động đến các chính sách liên quan trên toàn thế giới. Cụ thể, chúng tôi vận động để đưa tê tê lên nhóm quan trọng hơn, xứng tầm hơn của Công ước CITES (Công ước Quốc tế về Bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã), đó cũng là việc các quốc gia cần phải phối hợp cùng nhau hoặc đưa ra các chiến lược dạng như: bảo tồn tê tê quốc tế; các vấn đề vận động trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề giống như chuyện sinh sản của loài tê tê.” ông Nguyễn Văn Thái nhấn mạnh.