Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Chí giai đoạn III – chiến dịch tiếp thị xã hội giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác và các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác của nhóm đối tượng doanh nhân.
Theo USAID Wildlife Asia, thị trường Việt Nam sử dụng sừng tê giác và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác vào 2 mục đích chính là chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp. Hai bộ hình ảnh và thông điệp truyền thông thay đổi hành vi của Sáng kiến Chí giai đoạn III hướng đến việc khuyến khích người sử dụng xóa bỏ những niềm tin sai lầm về tác dụng của sừng tê giác và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác như: Voi, hổ và tê tê.
Hình ảnh đầu tiên truyền tải thông điệp nhấn mạnh sức khỏe và sự dẻo dai của người đàn ông đến từ lòng quyết tâm, sự kiên nhân và tinh thần thể thao; hình ảnh thứ 2 khẳng định việc liên quan đến các hành vi buôn bán và sử dụng động vật hoang dã để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh là đi ngược lại với các chuẩn mực quốc tế. Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Hội Phật giáo Việt Nam là những đối tác chiến lược của Dự án và đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những thông điệp trên.
Sáng kiến Chí được phát động bởi Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác của nhóm đối tượng doanh nhân có độ tuổi 35-55. Sáng kiến này được kết nối với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những chính sách trách nhiệm xã hội thông qua việc lồng ghép các hoạt động bảo tồn.