Qua thanh tra cho thấy có 17.786 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền phải truy đóng là 45 tỷ đồng. Số đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian là 553 lao động với số tiền phải thoái thu, hoàn trả là 1,8 tỷ đồng. Có 24.401 lao động đóng không đúng mức quy định, số tiền truy đóng do đóng thiếu gần 24,9 tỷ đồng.
Số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.146 tỷ đồng. Ngay trong thời gian thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp 475,4 tỷ đồng và nộp khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra là 186 tỷ đồng.
Thanh tra Bảo hiểm xã hội đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 407 đơn vị, xử phạt 11,2 tỷ đồng. Đến nay, số tiền phạt đã thu được là gần 2,9 tỷ đồng.
Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Mai Đức Thắng cho biết, cơ quan này đang quyết liệt trong tổ chức công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với nhiều giải pháp. Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu cán bộ, viên chức thường xuyên bám sát đôn đốc doanh nghiệp đóng kịp thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, xử phạt, kết hợp công bố công khai danh tính doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện thông tin.
Các giải pháp này có tác động rất tích cực. Doanh nghiệp đang được xem xét phong tặng danh hiệu, khi công khai danh tính sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi bị công khai sẽ không được tặng xét tặng danh hiệu. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, khi có nợ đọng, bị công khai là các đơn hàng với châu Âu, Hoa Kỳ sẽ bị đình chỉ. Vì vậy, khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố quyết định thanh tra, nhiều doanh nghiệp đã có động thái khắc phục, đề nghị tạm dừng xử phạt để đi vay tiền trả nợ ngay trong ngày đoàn thanh tra làm việc.
Nói về việc khởi tố doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Mai Đức Thắng cho hay, do còn phải thống nhất hồ sơ, thủ tục giữa cơ quan điều tra và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên đến nay mới triển khai khởi tố được một doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 2018, ông Nam Sung Ho, Giám đốc Công ty đột ngột vắng mặt tại công ty một thời gian dài khi đang nợ hơn 27 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đến tháng 5/2018, ông Nam Sung Ho quay trở lại Việt Nam và điều hành hoạt động của công ty nhưng vẫn chưa khắc phục được khoản nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.
Cho rằng khởi tố là giải pháp tốt, mang tính răn đe rất cao, tuy nhiên, theo ông Thắng, chủ sử dụng lao động bị khởi tố đồng nghĩa với việc người lao động mất việc làm, đóng cửa doanh nghiệp, vì vậy Bảo hiểm xã hội Việt Nam cân nhắc thực hiện từng bước, từ đôn đốc, nhắc nhở đến xử phạt, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ mới tiến hành chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý hình sự.
Cũng theo ông Mai Đức Thắng, lũy kế đến cuối tháng 7/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không phải tính lãi ước tính 7.200 tỷ đồng, chiếm 3,6% số phải thu, giảm 0,2% so với tháng trước. Năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu giảm nợ đọng xuống dưới 3% số phải thu, con số này có khả năng thực hiện được.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, số nợ 7 tháng năm 2018 đã giảm đi rất nhiều, chỉ bằng 76% cùng kỳ năm trước. Việc giảm số nợ đọng là do triển khai tương đối tốt các quy định về thanh tra chuyên ngành cũng như triển khai các quy định của Bộ luật Hình sự 2015.