Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi từ đơn tầng sang đa tầng.
Đa tầng tức là có 3 tầng cụ thể. Tầng thứ nhất là đảm bảo mức an sinh xã hội tối thiểu cho người dân và đảm bảo độ bao phủ toàn dân phải có bảo hiểm xã hội.
Tầng thứ hai là theo chính sách có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Tức là theo nguyên tác đóng hưởng. Trong tầng này phải được minh bạch, người lao động có tài khoản cá nhân để theo dõi đóng góp. Như hiện nay, doanh nghiệp đóng 14%, người lao động đóng 8%.
Tầng thứ ba là hưu trí bổ sung, doanh nghiệp và người lao động có điều kiện sẽ đóng thêm tiền để khi người lao động về hưu có thêm thu nhập.
"Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội lần này có sự chia sẻ trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Các thế hệ chia sẻ cho nhau. Ví dụ, thế hệ đi trước, lương rất thấp dưới 1,3 triệu đồng, phải điều chỉnh để mức thấp nhất của những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi về hưu lương không thấp hơn mức tiền lương cơ sở, như hiện nay là 1,3 triệu đồng và từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng. Có nghĩa là những người đóng sau chia sẻ với những người đóng trước". TS Lợi giải thích.
"Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200.000 người có tiền lương hưu từ 10 triệu đồng tới 101 triệu đồng/tháng. Những người lương hưu quá cao và ở mức cao hơn trung bình nên có sự chia sẻ cho những người có mức lương hưu thấp hơn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đối với những người về hưu. Đây chính là nguyên tắc chia sẻ trong hệ thống bảo hiểm xã hội đang hướng vào năm 2021", đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Nhiều người lo ngại sẽ bị giảm lương hưu vì hiện nay mức lương hưu của họ đang ở mức cao, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không nên hiểu những người đang hưởng lương hưu phải chia sẻ, mà những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội khi cải cách cho tới 20 năm sau hưởng lương hưu họ mới phải chia sẻ với nhau.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích: Còn với những người đang hưởng lương hưu thì đương nhiên họ vẫn được hưởng mức lương hưu hiện nay. Những người lương hưu cao hiện nay không phải giảm tiền lương hưu để chia sẻ cho những người lương hưu thấp. Vì nguyên tắc hiện nay là đóng hưởng và cơ chế chính sách bảo hiểm xã hội quy định như vậy. Nhưng bắt đầu từ khi thực hiện chính sách cải cách lương hưu và bảo hiểm xã hội, bắt đầu thực hiện cơ chế có đóng có hưởng, có chia sẻ giữa người lao động với nhau và các thế hệ với nhau thì mới áp dụng việc này.
Về việc xây dựng mức lương hưu trần và sàn, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng này là để không ai rớt xuống dưới tầng lương hưu cơ bản tối thiểu. Thứ hai là người lương hưu quá cao cũng nên chia sẻ để cân bằng thu nhập giữa những người về hưu. Đó là tính chất chia sẻ trong cải cách bảo hiểm xã hội.
"Mục tiêu của bảo hiểm xã hội cải cách là không ai hưởng lương hưu dưới sàn và cũng không có ai có lương hưu quá cao. Điều chỉnh lại làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa những người về hưu", TS Lợi nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), chính sách bảo hiểm xã hội hiện có nhiều bất cập, cần phải thay đổi. Ví dụ chính sách lương hưu hiện nay mới chỉ có tính chất đóng hưởng, chưa có tính chất phân phối, hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, chính sách bảo hiểm hiện nay chưa huy động nhiều được sự đóng góp của toàn dân, sự tự nguyện hay khu vực nông thôn còn nhiều người chưa tham gia.
Bên cạnh đó, người hưởng lương từ năm 1995 trở về trước có mức lương hưu thấp so với những người hưởng lương hưu từ năm 1995 trở lại đây. Chính vì vậy, nhiều cử tri, cán bộ nghỉ hưu có ý kiến về vấn đề này.