Bắc Ninh: Người dân còn thờ ơ với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mặc dù bảo hiểm xã hội tự nguyện có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh xã hội nhưng hiện nay, tỷ lệ người tham gia ở Bắc Ninh còn thấp, chủ yếu là những người đã đóng bảo hiểm trước đó, sau khi về hưu đóng tiếp để được hưởng chế độ.

Cán bộ phụ nữ xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đến các hộ dân tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Đây là bài toán nan giải đối với Bắc Ninh nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung.

Lợi ích khi tham gia

Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Đông Du, xã Đào Viên, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) là giáo viên mầm non. Mặc dù đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) nhưng bà mới có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định, bà phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được cấp sổ hưu. Nhờ cơ chế đổi mới của bảo hiểm xã hội, bà Hường đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần 5 năm. Đến nay, mỗi tháng bà được hưởng hơn 2 triệu đồng lương hưu.

Cũng như bà Hường, anh Trần Văn Đoàn, làm nghề mộc tự do tại xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn), sau khi được tuyên truyền, thấy lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là sau 20 năm đóng, đến tuổi 60 đối với nam và tuổi 55 đối với nữ sẽ có “lương hưu” hằng tháng và hưởng thêm bảo hiểm y tế nên anh quyết định tham gia.

Mở rộng tỷ lệ bao phủ còn khó khăn

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; so với mức chung của cả nước, con số này còn rất hạn chế.

Thị xã Từ Sơn là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập của người dân đứng trong tốp đầu tỉnh nhưng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp. Toàn thị xã hiện có 175 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thư, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, một trong những đại lý bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn cho biết: Thời gian qua, các đại lý bảo hiểm đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện đến đông đảo người dân nhưng nhiều người không mặn mà với loại hình này. Theo người dân thì khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, họ chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc sau khi nghỉ hưu được hưởng thêm bảo hiểm y tế. Mặt khác, đa số người dân có thu nhập kinh tế không ổn định nên khó có thể chọn mức đóng cố định. Hầu hết người dân mong muốn Nhà nước mở rộng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như ốm đau, thai sản, tử tuất để gói bảo hiểm hấp dẫn hơn.

Thuận Thành là địa phương có số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao, trong tốp đầu của tỉnh Bắc Ninh nhưng đến nay cũng chỉ đạt 520 người. Hầu hết người dân được hỏi không mặn mà với loại hình bảo hiểm này, họ chọn thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần thay vì tiếp tục hoặc đóng mới bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1991, quê tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành mặc dù đã có hơn 6 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi nghỉ việc tại công ty, chị đồng ý thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần với tổng số tiền hơn 38 triệu đồng. Chị Lan cho biết: Chị cũng được cán bộ tuyên truyền về lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chị quyết định lấy bảo hiểm xã hội 1 lần.

Đẩy mạnh tuyên tuyền


Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thuận Thành cho biết: Người dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không ổn định, việc tiếp cận về bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế.

Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong năm 2017, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Toàn huyện đã tổ chức 4 cuộc đối thoại với người dân tại các xã, hàng tháng tổ chức truyền thanh trên loa phát thanh. Đặc biệt, huyện thành lập Ban chỉ đạo bảo hiểm xã hội từ huyện đến xã, mở 261 đại lý cộng tác viên. Nhờ vậy, năm 2017, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2018, huyện có gần 50 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới.

Bảo hiểm xã hội thị xã Từ Sơn cũng đã giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, khuyến khích đại lý phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo ông Lê Quang Hải - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Từ Sơn, để mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Nhà nước cần bổ sung nhiều chính sách, quyền lợi cho người tham gia, có thêm khoản hỗ trợ đóng đối với người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo.

Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các mức như với người nghèo bằng 30% mức đóng tối thiểu (hỗ trợ 46.200 đồng/tháng), người cận nghèo bằng 25% mức đóng tối thiểu (hỗ trợ 38.500 đồng/tháng) và các đối tượng khác là 10% (15.400 đồng/tháng) mức đóng tối thiểu. Tuy nhiên, điều này chưa tạo động lực mạnh mẽ cho người dân. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân chủ động tham gia. Bên cạnh đó, sẽ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tỉnh sẽ hỗ trợ 1 phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhóm người nghèo, cận nghèo…

Thanh Thương (TTXVN)
Nhiều khó khăn mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nhiều khó khăn mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, tại Sơn La, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã được mở rộng. Tuy nhiên, nhiều người chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là người dân ở vùng miền núi khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN