Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố, lượng chất thải rắn, chất thải lỏng chưa qua xử lý được thải trực tiếp vào nguồn nước sẽ gây suy thoái nhanh các nguồn nước mặt, nước dưới đất, làm gia tăng tình trạng thiếu nước và ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nhất là ở một số khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu đô thị lớn, làng nghề, các lưu vực sông… Mặt khác, sự suy giảm nhanh diện tích rừng tự nhiên đã và đang gia tăng lũ lụt, ngập úng và tác động xấu đến đa dạng sinh học.
Thu gom và xử lý chất thải rất hạn chế
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh có xu hướng ngày càng tăng nhanh, nhưng số lượng được thu gom xử lý còn rất hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình ở khu vực nội đô giai đoạn vừa qua đạt khoảng 84% - 85%; khu vực nông thôn đạt khoảng 40% - 55%; vùng sâu, vùng xa chỉ đạt khoảng 10%.
Tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800.000 tấn/năm, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất công nghiệp được thu gom, xử lý mới chỉ đạt con số 40%, chất thải nguy hại do y tế đạt 80% gây nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường ở nước ta.
Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung các khu công nghiệp lớn và có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước, gây ô nhiễm lớn cho các lưu vực sông xung quanh.
Bên cạnh đó, chất thải từ các hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu, rác thải sinh hoạt đô thị gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Chất thải y tế chưa qua xử lý cũng là nguồn rất nguy hiểm, do trong thành phần chứa nhiều hoá chất độc hại với nồng độ cao và chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn truyền bệnh.
Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang là vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân là do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, phương tiện giao thông cơ giới quá lớn, độ che phủ cây xanh giảm, hiện tượng chặt phá rừng, khói bụi do các đám cháy rừng lan rộng...
Chỉ tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề là 5.096, trong đó chỉ có 1.748 làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ. Phần lớn công nghệ và kỹ thuật áp dụng cho sản xuất trong các làng nghề còn lạc hậu, mang tính cổ truyền, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tùy theo tính chất của từng loại làng nghề mà loại ô nhiễm môi trường cũng khác nhau. Riêng ngành sản xuất có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi axit, kiềm, oxit kim loại (PbO, ZnO, Al2O3). Nồng độ SO2, NO2 tại các làng nghề tái chế nhựa khá cao, vượt nhiều lần giới hạn cho phép.
Ngành tái chế làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm sản sinh từ các quá trình như xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn…Điển hình như làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), làng tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Định), làng nghề tái chế nhôm Yên Bình (Nam Định)...
Theo Thạc sĩ Tạ Văn Trung, Tổng cục Môi trường: Nạn cháy rừng, chặt phá rừng bừa bãi kéo dài, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cùng với các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, thiếu chú trọng tới môi trường ở một số tỉnh, thành phố đang đe dọa tới an ninh môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Cả nước hiện có hơn 300 khu công nghiệp, hàng trăm cụm công nghiệp nhỏ rải rác ở nhiều địa phương, song có đến 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55% - 70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt chuẩn môi trường; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại.
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên và khoáng sản đang tồn tại nhiều bất cập. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố liên tục đã bị chia nhỏ để khai thác. Nạn khai thác không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quí, chì, kẽm, đồng, than, cát... chưa được kiểm soát hiệu quả, tác động nghiêm trọng đến môi trường, tài nguyên và an ninh xã hội. Vấn nạn “cát tặc” trên các con sông đã diễn ra rất phức tạp, gây sụt lún đất hai bên bờ sông, ô nhiễm môi trường và xảy ra nhiều xung đột nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Việt Nam hiện còn phải đối diện với nguy cơ trở thành "bãi rác công nghiệp của thế giới". Nhiều vấn đề mới phát sinh trong việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu phế liệu mà còn nhập cả rác thải là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng vào nước ta, gây tác động không nhỏ tới kinh tế, đặc biệt là vấn đề môi trường, sức khỏe của cộng đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2011 phát hiện 17 vụ với khối lượng chất thải nguy hại thu giữ là 573 tấn, năm 2012 có 30 vụ với khối lượng thu giữ 3.868 tấn. Bên cạnh đó, tình trạng nhập nông sản có chứa các hóa chất bảo quản độc hại, gây hại cho sức khỏe cộng đồng có xu hướng gia tăng và chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Đặc biệt, do các nước châu Á (nhất là Trung Quốc) hiện đã và đang hạn chế tối đa việc nhập khẩu phế liệu, nên tình trạng phế liệu từ các nước công nghiệp phát triển tìm cách tràn vào Việt Nam rất đáng báo động.
Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, số lượng container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển tại Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang gia tăng. Tính đến ngày 30/11/2018, số lượng đã lên đến gần 20.600 container, trong đó số quá hạn trên 90 ngày khoảng 10.200 container, là bài toán khó cho các Bộ, ngành chức năng về phương án xử lý và ngăn chặn.
Suy giảm rừng tự nhiên và đa dạng sinh học
Tuy độ che phủ rừng trong những năm gần đây của nước ta có xu hướng tăng, nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp. Do thời tiết khô hạn diễn ra thường xuyên trong giai đoạn 2011 - 2015 nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương.
Vấn nạn chặt phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh nhưng có xu hướng giảm dần. Trong số diện tích rừng bị cháy và bị phá, rừng nguyên sinh vẫn chiếm tỷ lệ lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và tăng các nguy cơ lũ lụt, sự cố môi trường. Diện tích rừng trồng tăng với tốc độ nhỏ hơn tốc độ khai thác.
Diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá gây sức ép lớn đối với phát triển lâm nghiệp, cũng như đối với môi trường tự nhiên của nước ta khi hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ và lưu giữ CO2 trong tự nhiên.
Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ, diện tích rừng ngập mặn trong cả nước đã bị giảm sút nghiêm trọng. Trong hơn năm thập kỷ qua, Việt Nam đã mất đi 67% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943. Giai đoạn 1943 - 1990, tỷ lệ mất rừng ngập mặn trung bình 3.266 ha/năm, đến giai đoạn 1990 - 2012 là 5.613 ha/năm.
Trong 22 năm qua (1990 - 2012) tỷ lệ mất rừng ngập mặn gấp 1,7 lần giai đoạn 47 năm trước (1943 - 1990). Hiện nay quá nửa diện tích rừng ngập mặn trên toàn quốc là rừng mới trồng, thuần loại, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài.
Rừng ngập mặn nguyên sinh còn rất ít, đồng nghĩa với tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái suy giảm, đặc biệt các loài thủy sinh không còn bãi đẻ và nơi cư ngụ. Mặc dù trong những năm gần đây rừng ngập mặn đã được trồng khôi phục lại, nhưng diện tích đạt được rất ít.
Sự suy giảm đa dạng loài ở nước ta, ngày càng một gia tăng. Theo Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến năm 2014, con số này đã lên tới 188.
Tháng 7/2014, IUCN đã đưa thêm Tê tê Java và Tê tê vàng vào Sách đỏ. Hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm có nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống. Trong đó có nhiều loài đặc hữu như là Voọc mũi hếch ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể.
Tê giác Java Việt Nam là một trong hai quần thể Tê giác duy nhất còn sót lại trên Trái đất đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa đang bị mai một nghiêm trọng với 80% giống cây trồng đã mất, giống vật nuôi suy giảm gần 10% mỗi năm.
Suy giảm đa dạng sinh học, sự du nhập của các sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái, do áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự ưu tiên phát triển kinh tế.
Trên thực tế, nước ta có khá nhiều loài con và cây lạ có nguồn gốc từ nước ngoài như mai dương, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, bọ cánh cứng hại dừa, virus gây bệnh heo tai xanh...đã xuất hiện ở Việt Nam, đang phá hoại cây trồng, vật nuôi, gây mất cân bằng sinh thái, huỷ hoại môi sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Nhiều loài động, thực vật hoang dã ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng, diện tích rừng nguyên sinh còn rất thấp và khó có khả năng phục hồi, một số loài sinh vật biển suy giảm nghiêm trọng.
Bài cuối: Đề xuất những giải pháp khả thi