Hà Nội mưa gián đoạn khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh TTXVN
Lý giải hiện tượng thời tiết trên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đặc điểm nổi bật của bão số 3 là vùng mây hoàn lưu nằm tập trung chính ở phía Nam tâm bão. Khi bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam từ vùng biển Quảng Ninh về phía Hưng Yên - Ninh Bình, đã kéo theo vùng mây mưa dày đặc ở phía Nam.
Trong quá trình bão số 3 đi vào đất liền, vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía Nam và gây mưa ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Chính vì vậy, các tỉnh, thành ở phía Bắc hoàn lưu bão như Hà Nội vẫn có mưa nhưng chỉ mang tính gián đoạn và không lớn như ở phía Nam.
Ông Khiêm dẫn chứng, từ đêm 21 - 22/7, những nơi ghi nhận mưa to đến rất to đều nằm ở phía Nam của tâm bão như Đồng Giao (Ninh Bình) 214 mm, Hải Đường (Ninh Bình) 213 mm, và Nga Thiện (Thanh Hóa) 234 mm. Trưa 22/7, ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ở phía Nam đường đi của bão đã có mưa lớn.
Ngoài ra, ông Khiêm cho biết, không phải tất cả vùng mây trong một cơn bão đều có khả năng gây mưa. Dẫn chứng lúc 10 giờ sáng 22/7, tại khu vực sân bay Nội Bài ở phía Bắc Hà Nội, trời hửng nắng, trong khi đó, khu vực phía Nam của Hà Nội như ở Mỹ Đức lại có mưa. Tương tự, một số xã phía sâu trong đất liền của Hưng Yên có thời tiết tương đối đẹp, nhưng các xã ven biển lại có mưa to.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, từ chiều tối 22 - 23/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam tỉnh Phú Thọ và Sơn La có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 20 - 40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo từ 24 - 25/7, khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước diễn biến thời tiết trên, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo, hiện tượng dông, lốc, sét, gió giật mạnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Ngoài ra, mưa lớn có thể gây ngập úng tại các tuyến đường trũng, thấp, khu đô thị; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc...
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế xã hội. Các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.