Nhiều giống cây ăn quả quý của Hà Nội có nguy cơ biến mất

Hà Nội có nhiều nguồn gen giống cây ăn quả quý hiếm, nhưng quá trình đô thị hóa nhanh và sự thờ ơ của nhiều địa phương, các cơ quan chức năng đã khiến nhiều giống cây quý có nguy cơ bị mai một.

Nguy cơ xói mòn nguồn gen quý

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật Việt Nam, Hà Nội có nhiều giống cây ăn quả đặc sản. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và áp lực tăng dân số đã gây nên nguy cơ xói mòn nguồn gen với tốc độ nhanh.

Trên thực tế, việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng hiện nay dường như được phó mặc cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, còn địa phương hầu như đứng ngoài cuộc.

Theo khảo sát của Trung tâm Tài nguyên thực vật, dọc vùng sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức đã phát hiện được 10 giống bưởi quý cần bảo tồn. Các giống này có đặc tính chống chịu úng, sâu bệnh tốt, quả ngọt thanh, có thể đưa vào khai thác để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Hay vùng thượng nguồn sông Đáy cũng là nơi có nguồn gen cây ăn quả rất phong phú, các nhà khoa học đã phát hiện được 6 nguồn gen quý cần được bảo tồn như: Bưởi Diễn, hồng Thạch Thất, quýt Tích Giang, cam Canh, nhãn muộn Đại Thành, bưởi đỏ Mê Linh. Tuy nhiên, công tác bảo tồn các giống cây này chưa được quan tâm đúng mức.


Thu hoạch bưởi Diễn tại một trang trại. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Giống quýt Tích Giang (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) nổi tiếng bởi chất lượng thơm ngon và năng suất cao, có thể đạt 100 kg quả/cây 4 – 5 tuổi. Hơn nữa, quả quýt lại to, 120 – 130 gam/quả, rất ít hoặc không có hạt. Thế nhưng, hiện nay giống cây ăn quả này cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Theo ông Kiều Lựu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Giang: Trước đây, diện tích trồng quýt Tích Giang của xã lên tới vài chục héc ta, nhưng nay, do người dân chuyển sang chuyên canh cây cảnh, nên diện tích cây này chỉ còn 2 – 3 ha và kế hoạch bảo tồn giống cây này hiện vẫn… chưa có.

Giống nhãn muộn Đại Thành (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận là giống sản xuất thử từ năm 2005 và đầu năm 2011 được Hội đồng khoa học của Bộ này công nhận chính thức là giống nhãn chín muộn mới, có số hiệu HTM-1. Đây là giống nhãn được tuyển chọn từ cây nhãn tổ trên 110 năm tuổi ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, có đặc tính sinh trưởng mạnh, quả vàng, bóng, cùi dày, thơm ngọt, tỷ lệ phần ăn được đạt 66,5 – 68,5%, cao hơn nhãn cùi 11%...

Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn gen của các loại cây này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Cây nhãn tổ có tuổi thọ đã cao, nếu không bảo tồn, phát triển nguồn gen kịp thời thì có nguy cơ mất một giống cây tốt”- ông Nguyễn Văn Thành, chủ của cây nhãn tổ tại xã Đại Thành cho biết.

Bảo tồn tại chỗ

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, cần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn gen cây ăn quả quý cho cả người dân và chính quyền địa phương. Hiện nay, có 2 hình thức bảo tồn nguồn gen: Bảo tồn tại chỗ (In – situ) và bảo tồn bên ngoài nơi cư trú tự nhiên của nguồn gen (Ex – situ).

Trong đó ,hình thức bảo tồn tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi không chỉ duy trì được sự tiến bộ nguồn gen mà qua thời gian sàng lọc, phương pháp này có thể mở rộng nguồn gen. “Các giống cây đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn… nên được bảo tồn tại chỗ là tốt nhất”- bà Huệ cho biết.

Đến nay, mới chỉ có rau muống Tiến Vua và giống bưởi Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) được triển khai dự án bảo tồn nguồn gen. Còn lại, rất nhiều nguồn gen quý vẫn chưa được quan tâm thích đáng. Đơn cử như 3 giống cây ăn quả của Hà Nội là bưởi Diễn, hồng Thạch Thất, quýt Tích Giang đã được xếp vào danh mục những cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn theo Quyết định số 80/2005/QĐ-BNN ngày 12/5/2005 của Bộ NN&PTNT nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có kế hoạch bảo tồn.

Việt Nam đã có khoảng 30 đề tài bảo tồn nguồn gen giống cây trồng tại chỗ nhưng chưa hiệu quả bởi không gắn với sản xuất. Do đó, việc bảo tồn phải gắn với việc khai thác sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, bưởi Quế Dương có năng suất cao, mỗi sào 1,5 – 2 tấn quả, giá bán 10.000 đồng/kg, nếu được nhân rộng sẽ giúp cho người nông dân nâng cao thu nhập. Có như vậy mới biến giống bưởi này thành sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Để làm tốt công tác bảo tồn, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất cho những giống cây trồng quý, nhất là cây đặc sản, hướng tới xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích công tác bảo tồn phát triển, trong đó chú trọng đầu tư nguồn kinh phí và đào tạo nguồn nhân lực.

V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN