Một ngày làm việc của chị Bích, tiểu thương chợ Quan Hoa (quận Cầu Giấy) bắt đầu từ 5 giờ sáng. Gia đình chị có cơ sở sản xuất đá lạnh bán sỉ và bán lẻ. Mùa đông cũng như mùa hè, chị lụp xụp trong bộ quần áo vải dù và đôi ủng đi mưa. Những ngày giá rét, chị phải khoác thêm nhiều lớp áo và quấn khăn len kín đầu tránh cái giá buốt luôn phả vào người. Tuy nhiên, có một bộ phận rất cần giữ ấm nhưng với nghề làm đá lạnh lại khó thực hiện đó là đôi tay. Nếu đi găng vải vận chuyển đá thì nước ngấm lạnh không găng nào chịu nổi còn đi găng cao su, găng nylon thì trơn trượt khó bốc xếp. Vì vậy, người sản xuất, buôn bán đá lạnh mùa này thường bị bệnh cước sưng tím các ngón tay, ngứa ngáy rất khó chịu.
Những tưởng cảnh đốt lửa trên hè phố chỉ có ở các thị trấn du lịch vùng cao như Sapa, Đồng Văn, Lạng Sơn... thì những ngày qua, đi bất cứ con phố nào ở Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp. Những đống lửa được nhóm lên bằng các loại củi tận dụng để làm các điểm sưởi ấm. Đoạn cuối phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy) kéo dài khoảng 400m có tới 4 - 5 điểm đốt lửa. Đó là khu vực làm việc của hơn 10 công nhân môi trường thu gom rác tập trung cuối ngày. Các lao động dịch vụ chở người, giao hàng trong màu áo đồng phục cũng tranh thủ sà vào sưởi ấm giữa các chuyến nhận trả hàng và người…
Anh Mai Thế Thăng - shipper của App Giao hàng nhanh hoạt động quanh khu vực Văn Miếu (quận Đống Đa) cho biết: Vào các ngày cao điểm như đợt rét đậm vừa qua số lượng shipper bán chuyên (dân công sở, sinh viên tranh thủ làm thêm) giảm mạnh. Lý do người bình thường, người sinh ra và lớn lên ở thành phố không quen dãi gió dầm sương không thể trụ nổi với giá rét này. Song, có điều an ủi là với shipper thu nhập tăng theo thời điểm, giờ cao điểm, ngày mưa gió hay nắng nóng... mức phí có thể thay đổi tăng thêm để bù đắp tổn hại.
Tại đê Yên Phụ lúc 22 giờ 30 phút ngày 12/1, chúng tôi tiếp xúc với một nhóm nữ công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường và Đô thị Hà Nội. Khi hỏi về cảm giác của mình, chị Nguyễn Thị Yên rùng mình tâm sự: Với thời tiết 12 độ C thế này là may mắn lắm. Mấy đêm trước nhiệt độ về đêm xuống dưới 10 độ chúng em tưởng không trụ nổi. Một số địa bàn có thể tổ chức nhóm củi đốt sưởi chứ ở điểm tập kết rác của chúng em trống trải như này không có nơi trú rét, cũng không đốt lửa được. Lúc vận động thu gom dồn tải cơ thể còn ấm lên nhưng khi ngồi chờ xe tải đến hốt rác thì lạnh tê cứng. Bọn em chỉ còn biết mặc nhiều áo ấm, tận dụng cả quần áo trang bị bảo hộ lao động ngày mưa gió để mặc tránh rét.
Được biết, ca làm việc của chị Yên và các đồng nghiệp thường kết thúc vào lúc 0 giờ và họ sẽ trở về nhà trên những chiếc xe máy cũ kỹ, có người phải vượt quãng đường hàng chục ki-lô-mét từ chỗ làm về nhà trong đêm buốt giá, khi nhiệt độ xuống thấp nhất. Có lẽ vì ảnh hưởng trọn vẹn của rét đậm, rét hại nên nhiều người có chung cảm nhận sức khỏe yếu đi nhiều sau những đợt rét như vậy, nhiều người bị triệu chứng đau đầu, đau buốt xương khớp, đau mỏi lưng vai gáy...
Trong những đêm rét mướt như thế, khi nhà nhà yên giấc ngủ trong chăn ấm đệm êm thì vẫn có những người lao động phải làm việc thâu đêm ngoài trời bất chấp thời tiết. Đó là những công nhân đang thực hiện công việc hạ ngầm đường dây tải điện. Công việc này buộc phải thực hiện thi công gấp rút vào ban đêm vì ban ngày phải trả mặt bằng về gần như nguyên trạng không để ảnh hưởng đến giao thông.
Tại địa bàn Nam Từ Liêm, 5 giờ sáng phóng viên ghi nhận hình ảnh những người công nhân đang hối hả lấp những đoạn cống ngầm cuối cùng sau 1 đêm làm việc giữa trời giá lạnh. Công nhân Lê Văn Phú chia sẻ: “Chúng em chỉ biết vận động liên tục để giữ ấm cơ thể vì chỉ cần ngừng nghỉ 10 - 15 phút là đầu buốt thấu, các ngón tay tê cứng giá buốt. Thức uống duy nhất giúp họ chống chọi với giá rét là nước gừng nóng anh em truyền nhau kinh nghiệm mà dùng".
Đồng hành cùng với những người lao công, phu đường vật lộn mưu sinh trong đêm đông giá lạnh là lực lượng không nhỏ các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ngô nướng, bún phở đêm tại các điểm trên đường Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Cầu Diễn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông)... Họ bày bán từ chập tối đến tận 1 - 2 giờ sáng, cá biệt có hàng quán bán đến 5 giờ sáng.
Những ngày cuối năm với những người lao động nghèo, đây là cơ hội để họ bươn chải mưu sinh lo kiếm tiền sắm Tết, nhưng thời tiết chẳng chiều lòng người khiến con đường mưu sinh của họ càng thêm nhiều gian nan, vất vả gấp bội phần.
Chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra những dự báo về thời tiết đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, dự báo xu thế thời tiết chủ đạo sẽ là rét, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, cụ thể ngày mùng 1 Tết âm lịch là ngày 12/2/2021 Dương lịch. Trong khi đó, tháng 2 được dự báo vẫn là tháng nhiệt độ trung bình thấp và thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Tháng 2 cũng là một trong 3 tháng chính Đông (tháng 12, tháng 1 và tháng 2).
Với đánh giá sơ bộ như vậy, thời tiết Tết Nguyên đán năm nay khả năng là rét nhưng tính chất rét đậm, rét hại hay chỉ là một đợt rét trung bình thì dự báo thời tiết gần mới có thể hạn chế sai số được.
Trước dự báo thời tiết miền Bắc còn nhiều khắc nghiệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo, những người phải làm việc ngoài trời cần chủ động giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm, đeo khẩu trang khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp; trong lúc lao động nếu thấy cơ thể nóng lên thì cởi bớt áo dần dần, tránh để cơ thể sốc nhiệt, hạ nhiệt đột ngột sẽ nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cần có sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời giúp người lao động ấm lòng hơn để khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, yên tâm lao động và sản xuất.