Trong bối cảnh phải giãn cách để phòng, chống dịch, ngoài nguồn nước hỗ trợ từ các cấp chính quyền, người dân các địa phương trong tỉnh đang sẻ chia nguồn nước, “dìu nhau” vượt qua khô hạn.
Xã nông thôn mới chật vật tìm nước
Giữa trưa nắng rát bà Mí Ran (thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định) “đội nắng” gùi theo nhiều loại chai nhựa di chuyển một quãng đường dài, đến bể lắng nước tập trung đầu thôn để lấy nước. Mí Ran chia sẻ: Nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng qua, mực nước mặt từ các suối trên địa bàn đã suy kiệt, 3/4 bể lắng cấp nước tập trung cho người dân trong thôn đã không còn nước. Những ngày này, bà con trong thôn tập trung về bể lắng cuối cùng còn nước để sinh hoạt, người giặt quần áo, người hứng nước về cho gia đình. Tuy nhiên, nước chảy về bể lắng cũng đang thấp dần. Tôi đã chờ ở đây hai tiếng, khó khăn lắm mới hứng đủ một can nước về cho gia đình ăn, uống, sinh hoạt.
Thôn Hòa Ngãi có 141 hộ chủ yếu là đồng bào Chăm H’roi. Ông La Lang Tiến, Trưởng thôn Hòa Ngãi cho biết: Người dân trong thôn đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, có hộ dân phải thức dậy từ 1 giờ đến bể lắng tập trung lấy nước. Lo lắng khi bà con tập trung đông, Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm COVID-19. Đồng thời, vận động người dân tìm kiếm nguồn nước tại các ao, khe suối để tắm giặt, để dành nguồn nước tại bể lắng để ăn uống, hạn chế tập trung đông người.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Định Nguyễn Minh Hoài cho biết, xã Sơn Định có 4 thôn là Hòa Bình, Hòa Ngãi, Hòa Thuận, Hòa Nghĩa với hơn 2.000 nhân khẩu. Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, tuy nhiên với địa hình có độ cao trung bình 400 m so với mực nước biển, vào mùa khô Sơn Định thường thiếu nước sinh hoạt. Năm nay thời tiết khô hạn gay gắt hơn, từ đầu tháng 6 đến nay nhiều khu dân cư trên địa bàn xã thiếu nghiêm trọng. Một số hộ dân phải mua nước với giá từ 50.000 đến 80.000 đồng/m3.
Theo Giám đốc Trung tâm nước sạch Phú Yên Hồ Hữu Như, Sơn Định là vùng khan hiếm nguồn nước. Trước đây xã đã được đầu tư công trình cấp nước tập trung từ Chương trình 135, tuy nhiên nguồn nước tại hồ Hòa Bình thường xuyên bị cạn kiệt, không đủ cấp nước nên công trình phải ngừng hoạt động, xuống cấp.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Phú Yên đã bố trí kinh phí để khoan hàng chục giếng khoan với độ sâu 100-130m cấp nước cho bà con. Tuy nhiên, một số giếng khoan xảy ra trình trạng giảm lưu lượng khai thác, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư công trình cấp nước mới tập trung tại xã Sơn Định nhằm giải quyết nguồn nước cho người dân. Do khó khăn về nguồn vốn nên công trình vẫn chưa thực hiện được.
Sẻ chia nguồn nước “dìu nhau” qua khô hạn
Đến ngày 19/8, Phú Yên có hơn 3.200 hộ dân các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu… thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động chỉ đạo nạo vét giếng đào, tu sửa các công trình cấp nước tập trung; tuyên truyền và vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt.
Hơn hai tháng nay, ông Ngô Đình Nghĩa thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa đã bơm lên từ giếng đào của gia đình, mỗi ngày vận chuyển nước sinh hoạt từ 7 đến 10 chuyến có thu phí cho các hộ dân thôn Hòa Bình có nhu cầu. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ốm đau, ông Nghĩa sẵn sàng chia sẻ nguồn nước miễn phí.
Bà Lê Thị Thảo ở thôn Hòa Bình là hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, do không có tiền để khoan giếng, nhiều năm qua bà Thảo phải xin nước từ các hộ dân trong thôn. Nắng hạn gay gắt những ngày qua, nguồn nước chia sẻ từ các hộ dân cho gia đình bà Thảo cũng “vơi dần”. Nhận thấy khó khăn của gia đình bà Thảo, ông Ngô Đình Nghĩa nhiều lần đã chở nước từ giếng đào của gia đình cấp miễn phí, hỗ trợ bà Thảo vượt qua khó khăn do khô hạn.
Tại huyện Tuy An địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số khu dân cư các xã ven biển, vùng núi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do nắng hạn. Trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Phú Yên vận chuyển 7 xe bồn nước sạch hỗ trợ hàng trăm hộ dân thôn Tân Hòa (xã An Hòa Hải), thôn Phong Phú (xã An Hiệp) giúp bà con vượt qua khó khăn.
Tương tự tại thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Ngọc Lê Ngọc Phú chia sẻ, thôn Ngọc Lãng là ổ dịch mới, phức tạp tại thành phố Tuy Hòa nên toàn thôn đang bị phong tỏa cứng. Các khu dân cư xóm 6-7-8 của thôn nguồn nước đang bị nhiễm mặn, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm những ngày qua đã đồng hành hỗ trợ hơn 1.000 bình nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Chúng tôi thành lập tổ trực tiếp vận chuyển nước sạch sinh hoạt đến tận nhà, để bà con yên tâm, ổn định cuộc sống trong khu phong tỏa.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, để khắc phục thiếu nước sinh hoạt, tỉnh tiếp tục vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước. Đối với những khu dân cư không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, các địa phương cần phối hợp sử dụng các phương tiện lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Về lâu dài, Phú Yên chỉ đạo các địa phương ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác để xây dựng công trình cấp nước bền vững; đầu tư các công trình cấp nước ở những khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp nước ổn định cho người dân.