Phú Yên khắc phục sự cố mất nước sinh hoạt trên diện rộng

Ngày 21/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp xử lý tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân tại thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa do Nhà máy nước Tuy Hòa phải tạm dừng sản xuất.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu phải cấp nước trở lại bình thường chậm nhất trong hai ngày tới. 

Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên cấp nước cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, khu cách ly tập trung, chậm nhất trong hai ngày tới phải khắc phục tình trạng mất nước.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa là do mực nước từ sông Ba đang xuống rất thấp. Ngoài ra, triều cường lên cao khiến mặn xâm nhập sâu vượt qua khu vực công trình thu nước của Nhà máy nước Tuy Hòa tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Độ mặn đo được lên đến 16.000mg/lít (tiêu chuẩn tối đa là 250mg/lít) nên nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất nước, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa trong hai ngày qua.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên Mai Kim Lộc cho rằng, Nhà máy nước Tuy Hòa đã thiếu chủ động trong việc dẫn nguồn nước mặt. Vấn đề xâm nhập mặn trên sông Ba đã có cảnh báo từ trước và nếu triều cường cao, kết hợp với hạn hán mặn có thể xâm nhập lên đến xã Hòa Thắng (cách xã Hòa An khoảng 3km). Bên cạnh đó, lòng sông Ba là cát, dòng chảy biến đổi liên tục nên thường thiếu nước vào mùa khô. Cùng với tình trạng xâm nhập mặn, việc các hồ thủy điện ở thượng nguồn thực hiện xả nước chưa đủ lưu lượng và thời gian đã ảnh hưởng đến việc cấp nước ngọt ở hạ lưu.

Chú thích ảnh
Đại diện Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên báo cáo về sự cố mất nước. 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết: Theo quy định vận hành liên hồ chứa trên khu vực sông Ba, các Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh phải đảm bảo đưa nước về hạ du từ 30-40m3/s. Về cơ bản các đơn vị này đã thực hiện đúng nhưng trong các ngày từ 17-19/7 là chưa đủ; thời gian xả nước phát điện chưa thống nhất cùng một lúc. Điều này khiến cho nguồn nước ngọt có phần bị thiếu hụt. Sự cố không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa kéo dài từ 17 giờ ngày 19/7 đến ngày 20/7, tuy nhiên Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên đã chậm thông báo cho khách hàng nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, nhất là trong bối cảnh thành phố Tuy Hòa đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Lê Tấn Hổ -  Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: Tình trạng thiếu nước trong mùa khô và xâm nhập mặn đã có dự báo nhưng Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên chưa chủ động các phương án. Sự cố mất nước xảy ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi công tác thông báo cho người dân rất chậm khiến bà con rất hoang mang, đặc biệt tại một số nơi đang giãn cách xã hội. Nếu sự cố này kéo dài thì rất đáng lo ngại; cần phải có giải pháp tạm thời đế khắc phục ngay và lâu dài phải có hướng xử lý triệt để. Cùng với việc cấp nước trở lại vẫn phải đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn.

Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 28.000 khách hàng, Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên đang tập trung xử lý nguồn nước nhiễm mặn và kích hoạt Trạm bơm Hòa Thắng đảm bảo công suất 500m3/giờ nhằm bổ sung nguồn nước thô cho sản xuất. Hệ thống thủy nông Đồng Cam (hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên) cam kết chia sẻ nguồn nước để phục vụ cho Nhà máy nước Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Minh Huệ - Chủ tịch Công ty thủy nông Đồng Cam cho biết: Hiện nay các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vẫn cần duy trì việc xả nước phát điện với lưu lượng 30-40m3/s. Ngoài đảm bảo điều tiết nước cho sản xuất vụ Hè Thu, hệ thống kênh chính Nam tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) có thể chia sẻ điều tiết lượng nước xuống khu vực giếng thu nước của Nhà máy Tuy Hòa khoảng 0,43m3/s tương đương khoảng 30.000m3/ngày đêm.

Đến sáng 21/7, nguồn nước từ Nhà máy Tuy Hòa đã được cấp về các đường ống phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Mặc dù vậy, áp lực nước vẫn còn rất yếu, nhất là các khu vực xa nhà máy. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty cổ phần Cấp, thoát nước Phú Yên khẩn trương khắc phục các sự cố và cấp nước theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, cung cấp kịp thời thông tin về lịch cấp nước cho nhân dân chủ động trong sinh hoạt.

Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: Nguồn nước là rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của nhân dân. Trong khi việc cung cấp chưa được khôi phục hoàn toàn thì phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên, trước hết là bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân COVID-19, khu cách ly, nước cho sinh hoạt và nước cho sản xuất. Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp tăng lưu lượng nước xả nước về hạ du. Riêng đối với Nhà máy nước Tuy Hòa phải khơi thông dòng chảy, tăng cường bơm dã chiến để thu nước thô về xử lý. Chậm nhất trong hai ngày tới, bằng mọi biện pháp phải khôi phục hoàn toàn việc cấp nước trở lại cho người dân.

Tin, ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng tại Phú Yên
Thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng tại Phú Yên

Ngày 20/7, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra diện rộng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa (Phú Yên) đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN