Tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.196 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 325; cách ly tập trung tại cơ sở khác 9.836; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 42.035 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca bệnh đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là13 ca, số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.
Hướng dẫn rà soát, chi trả cho người dân gặp khó khăn
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (TB-LĐ&XH), Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cụ thể các nhóm hỗ trợ như sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/4/2020 đến ngày 1/6/2020.
Hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020 theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Người lao động có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1/4/2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/6/2020 nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo.
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Người sử dụng lao động có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc thì được vay Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020.
Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi triển khai Quyết định: Đối với các địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng của địa phương thì áp dụng theo chuẩn nghèo của địa phương. Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên quy định tại Quyết định này (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.
Trường hợp đối tượng đã hưởng chính sách của địa phương và đủ điều kiện để hưởng chính sách quy định tại Quyết định này với mức hỗ trợ cao hơn chính sách của địa phương thì được hỗ trợ thêm phần chênh lệch. Một số quy trình, thủ tục nộp hồ sơ và giải quyết sẽ được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Đưa trên 100 công dân Việt Nam từ Indonesia về nước
Ngày 26/4, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, Hãng hàng không Vietjet Air và các cơ quan chức năng Indonesia đưa về nước trên 100 công dân Việt Nam.
Đây là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, sinh viên không có nơi cư trú do các ký túc xá đóng cửa, những người hết hạn thị thực nhưng bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ở chiều đi, chuyến bay của Vietjet Air cũng đưa một số công dân Indonesia về nước.
Chuyến bay được đảm bảo chặt chẽ về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ. Sau khi hạ cánh tại Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đều sẽ được kiểm tra sức khỏe và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Hiện nay, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam và kiều bào tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền sở tại, hạn chế tối đa việc di chuyển, đi lại và không nên về nước nếu không có lý do cấp bách; đồng thời phối hợp tổ chức một số chuyến bay riêng lẻ để đưa những công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, cũng như khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly ở trong nước.