Chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng nhiều phương thức quản lý trực tuyến như: hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử; hệ thống thông tin báo cáo ngành tài nguyên và môi trường; trung tâm chỉ đạo điều hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hệ thống họp trực tuyến; hệ thống tương tác trong chỉ đạo điều hành giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương; hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý khoa học và công nghệ; hệ thống hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo ngành Tài nguyên và Môi trường; hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử…
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường Lê Phú Hà cho biết, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến gồm 108 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích hợp, cung cấp 40 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến; phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và một số bộ, ngành xây dựng các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên hợp quốc và triển khai thử nghiệm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: vận hành, cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Mới đây, tại Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, Đài Khí tượng Cao không - Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã được tôn vinh tại hạng mục: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc vì đã xây dựng thành công "Công nghệ xử lý dữ liệu ra đa thời tiết phục vụ bài toán đồng hóa dữ liệu vào mô hình dự báo thời tiết số tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn". Đây là minh chứng rõ nét cho những thành tựu về chuyển đổi số đem lại hiệu quả thực tế cao tại Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021.
Ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Đài Khí tượng Cao không cho biết, thời gian qua, Đài đã liên tục cung cấp số liệu khí tượng cao không, các sản phẩm mưa phân tích và dự báo tích hợp từ số liệu vệ tinh, ra đa và đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn. Kết quả nổi bật của sản phẩm là việc số hóa công tác xử lý, tạo lập bộ dữ liệu khí tượng cao không cũng như tạo ra các sản phẩm thời tiết để cung cấp cho các đơn vị dự báo trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn tạo được cơ sở số liệu đồng nhất, lưu trữ khoa học (đặc biệt là nguồn số liệu viễn thám như ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng, định vị sét) giúp cho các đơn vị khai thác một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, tận dụng được tất cả các nguồn số liệu vào công tác phục vụ dự báo, cảnh báo thời tiết.
Các sản phẩm dữ liệu đã được số hóa của Đài đã và đang nhận được phản ánh tích cực của người sử dụng, đem lại hiệu quả cao, giúp cải thiện được vấn đề phải dùng nhiều phần mềm, hoặc không có công cụ khai thác số liệu khí tượng cao không của các đơn vị dự báo hay việc phải mua bản quyền hiển thị và khai thác số liệu của nhà cung cấp nước ngoài. Các loại số liệu và sản phẩm phục vụ công tác dự báo đều được cung cấp dưới dạng số hóa.
Tại tỉnh Bắc Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị theo phương châm “4 không, 1 có”: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu. Bắc Giang cũng hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, trong năm 2022, tỉnh này cũng ưu tiên hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai VILG tỉnh Bắc Giang; triển khai các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống tiếp nhận, phân tích, cảnh báo về dữ liệu quan trắc môi trường như: nước thải, nước mặt, khí thải và không khí xung quanh tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dân cư đáp ứng thời gian; xây dựng ứng dụng phân tích và dự báo về môi trường thời gian thực, các hệ thống giám sát liên tục phục vụ cho các bãi rác, lò xử lý rác thải; xây dựng hệ thống tính toán dữ liệu quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh này đã xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số... Ngoài ra, việc ứng dụng phần mềm để giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm văn bản điện tử cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa triển khai và chỉ đạo quyết liệt. Hiện tại hầu hết các văn bản của các phòng, đơn vị trực thuộc sở đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp ký số trên phần mềm, tỷ lệ trao đổi văn bản đạt trên 95%.
Ngoài ra, nhiều cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong năm 2021 đem lại hiệu quả cao như: triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; cơ sở dữ liệu liên ngành Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tiến tới Chính phủ số
Theo Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Theo kịch bản hướng tới chính phủ số ngành Tài nguyên và Môi trường phiên bản 2.1 do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, chủ thể hướng đến là người dân, doanh nghiệp, cơ quan giao dịch phải thực sự dễ dàng, thông qua hệ thống một cửa nhất quán của Bộ. Trong đó, các công việc chuyển đổi số sẽ lấy người dùng là trung tâm, thống nhất tích hợp trải nghiệm đa kênh của người dùng thông qua định danh số tích hợp, các dịch vụ nghiệp vụ, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ hạ tầng cá thể hóa theo người dùng… Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.
Để thực hiện kiến trúc chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai 3 dự án lớn gồm: Hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1).
Mới đây, ngày 28/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số: 2601/QĐ-BTNMT về việc Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng để chỉ đạo, điều phối xây dựng, thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành tài nguyên và môi trường… Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng cũng như ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa.
Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu duy trì 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90%-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bộ cũng duy trì 100% hồ sơ công việc tại Bộ, 70%-90% hồ sơ công việc của ngành tài nguyên và môi trường được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Toàn bộ các báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường trên nền tảng dữ liệu lớn và kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.