Thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng, ảnh hưởng nặng nề với mức độ và quy mô chưa từng có của các vấn đề toàn cầu là đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải.
Chia sẻ tại lễ ký thỏa thuận hợp tác về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững giữa Tổng cục Môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Nestlé Việt Nam chiều 8/12, Phó Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống…
Đại diện Tổng cục Môi trường dẫn báo cáo của Liên hợp quốc cho biết cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống…
Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 64.658 tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm, tăng 46% so với năm 2010; chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
“Nhằm góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, thỏa thuận hợp tác này là dịp để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế và tái sử dụng bao bì trong tương lai,...” ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé có thể tái chế hoặc tái sử dụng; đặt mục tiêu giảm 1/3 việc sử dụng nhựa nguyên chất...
Hiện nay, Nestlé đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề phức tạp và cấp bách của chất thải nhựa, thúc đẩy các sáng kiến trên 3 lĩnh vực then chốt: Phát triển bao bì cho tương lai, thúc đẩy hình thành một tương lai không rác thải và định hướng hành vi mới, sự thấu hiểu về cách sử dụng bao bì đóng gói.
“Để theo đuổi cam kết này, chúng tôi cần hợp tác với Chính phủ, các bộ và cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức phát triển và các bên liên quan để nâng bước hành trình đến với một xã hội không rác thải, đặc biệt là ngăn chặn triệt để vấn đề rác thải nylon như là một thách thức hàng đầu chúng ta phải giải quyết trong xã hội”, đại diện Nestlé Việt Nam nhấn mạnh.