Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Theo đánh giá của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác dân số của tỉnh vẫn còn khó khăn, thách thức.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành dân số tỉnh Hà Nam triển khai đồng loạt nhiều giải pháp và đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Chú thích ảnh
Trên 200 đoàn viên cơ sở dự Hội nghị truyền thông sức khỏe, sức khỏe sinh sản và công tác dân số trong tình hình mới, ngày 20/6/2020. Ảnh tư liệu: Đại Nghĩa/TTXVN.

Những kết quả tích cực

Xác định đối với công tác dân số, truyền thông để thay đổi hành vi của người dân đóng vai trò rất quan trọng, ngành dân số tỉnh Hà Nam đã phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo từng đối tượng, độ tuổi, vị trí công tác, với nội dung phù hợp để đạt hiệu quả cao. Với cán bộ lãnh đạo, nội dung truyền thông tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, những chính sách cụ thể của tỉnh, địa phương, cùng khó khăn cần tập trung giải quyết. Thanh thiếu niên cần được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tác hại của nạo phá thai, sinh con ở độ tuổi này, lợi ích của việc kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai cần được cung cấp thông tin lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để tránh sinh con bị dị tật; hướng dẫn cách chế biến thức ăn, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ đang mang thai, cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì… Người già cần truyền thông về chăm sóc sức khỏe chủ động, dự phòng bệnh tật, vận động con cháu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Theo bà Tạ Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, ngành dân số tỉnh tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể duy trì và phát huy hiệu quả câu lạc bộ, mô hình truyền thông về dân số. Cụ thể, Đoàn thanh niên với mô hình câu lạc bộ "Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân" giúp thanh niên chuẩn bị lập gia đình riêng hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe mỗi người trước khi kết hôn để đi kiểm tra sức khỏe, nhận tư vấn cần thiết từ bác sỹ trước khi kết hôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ có các mô hình: “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Hội Nông dân có mô hình “Nam nông dân với công tác dân số”. Hội Người cao tuổi có các câu lạc bộ “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.

Riêng năm 2020, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã thành lập câu lạc bộ truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh tại 12 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; cấp trang thiết bị, tủ đựng tài liệu truyền thông cho 6 trường trung học cơ sở triển khai mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin về nguyên nhân, hệ lụy của việc sinh nhiều con, mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích của việc tầm soát sàng lọc nhiễm khuẩn đường sinh sản, ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho gần 20.000 công nhân lao động.

Với những nỗ lực trên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi giảm; tuổi thọ bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 74,8 tuổi, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc (73,6 tuổi). Nhiều năm trở lại đây, Hà Nam đã duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/mẹ); mức chênh lệch tỷ số giới giới tính khi sinh đang có dấu hiệu giảm, năm 2020 là 110,9 trẻ trai/100 trẻ gái so với năm 2019 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao, năm 2020 đạt 65%, tăng 9,6% so với năm 2019…

Giải pháp then chốt

Chú thích ảnh
Cho trẻ uống Vitamin A tại phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Theo đánh giá của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác dân số của tỉnh vẫn còn khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sinh con thứ ba những năm gần đây liên tục tăng. Năm 2020, số trẻ em sinh ra trên địa bàn tỉnh là con thứ 3 trở lên là hơn 2.000 trẻ, bằng 15,4%, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 có giảm nhưng không bền vững, vẫn ở mức cao. Ngoài ra, tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên vẫn tồn tại; nạo phá thai, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên khó kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản cũng như chất lượng dân số… tuổi thọ người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh còn thấp…

Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cấp ủy, chính quyền các cấp có nơi, có lúc chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Sau khi sáp nhập dân số về y tế, có lúc, có nơi công tác dân số chưa được quan tâm như trước đây. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân. Các chế tài xử lý vi phạm chính sách dân số chưa đủ sức răn đe, việc kiểm tra xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn…

Theo bà Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam, để giải quyết khó khăn, tồn tại trong công tác dân số của tỉnh, giải pháp đầu tiên và then chốt nhất vẫn là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; luôn coi công tác dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, đúng như tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Riêng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân số; chú trọng tuyên truyền đưa thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt” vào cuộc sống. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tăng sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Năm 2021, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu tỷ suất sinh giảm 0,08%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,3%; tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 66,4%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 30%; tỷ lệ người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ, được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế tăng 10%...

Nguyễn Chinh (TTXVN)
Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững
Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững

Chất lượng dân số là yếu tố tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh, tập trung mọi nguồn lực chuyển trong tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN